Tiếp tục thực hiện tốt 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử

06/02/2020 - 07:40

 - “Năm 2019, hoạt động của Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp tỉnh An Giang có nhiều chuyển biến đáng khích lệ. Trong đó nổi bật nhất là giải quyết vụ, việc đạt tỷ lệ gần 83% và tỷ lệ án hủy thấp (0,28%); nhiều vụ án hình sự được xét xử nghiêm minh, kịp thời phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương; không có trường hợp nào kết án oan người vô tội…”- Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hồng Quang biểu dương và chúc mừng tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức TAND 2 cấp tỉnh An Giang.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân trao danh hiệu cho thẩm phán mẫu mực

Năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng TAND tối cao; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương; sự cố gắng và nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, người lao động, công tác xét xử của TAND 2 cấp tỉnh An Giang đã được thực hiện theo quy định; chưa phát hiện kết án oan cho người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm; số lượng và chất lượng xét xử các vụ án ngày được cải thiện, đáp ứng chỉ tiêu, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, TAND 2 cấp trong tỉnh đã thụ lý 13.818 vụ việc các loại, tăng hơn 405 vụ so cùng kỳ, giải quyết được 11.414 vụ việc (đạt tỷ lệ gần 83%). Bình quân mỗi thẩm phán giải quyết 8,3 vụ/tháng (tăng 0,48 vụ/tháng so năm 2018). Tỷ lệ án bị hủy là 0,28% (giảm 0,21% so cùng kỳ năm trước), 404 án tạm đình chỉ, giảm 77 vụ so cùng kỳ năm 2018 (không có trường hợp không đúng quy định). Đáng chú ý, TAND 2 cấp trong tỉnh đã xét xử sơ thẩm nhiều vụ án được dư luận xã hội và cấp ủy quan tâm. Điển hình, vụ án Nguyễn Minh Thanh (Nhí) bị truy tố về các tội “Giết người”, “Cướp tài sản” xảy ra ngày 26-11-2018 tại ấp Hòa Lợi 4, xã Vĩnh Lợi, Châu Thành và tuyên hình phạt cao nhất là tử hình; hay vụ án Trần Thị Ngọc Hân bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra trên địa bàn huyện Phú Tân liên quan đến 71 bị hại. Bằng hình thức chơi hụi, Hân đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt gần 2,9 tỷ đồng tiền của các hụi viên…

Bên cạnh đó, TAND 2 cấp đã tiến hành tổ chức 128 phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm (tỉnh 18 phiên tòa, huyện 110 phiên tòa) và sau khi kết thúc, lãnh đạo đơn vị đã tiến hành tổ chức họp rút kinh nghiệm về những vấn đề còn hạn chế về áp dụng pháp luật, điều hành phiên tòa, kỹ năng xử lý các tình huống, công tác tổ chức, đưa ra những kiến nghị, đề xuất khắc phục… đã tiếp nhận thụ lý 1.921 đơn khiếu nại (tỉnh 1.748 đơn, huyện 173 đơn) trong đó 1.881 đơn thuộc thẩm quyền (tỉnh 1.709 đơn, huyện 172 đơn) và tất cả được giải quyết xong. Ngoài ra, đơn vị cũng tiếp nhận 23 đơn tố cáo, so cùng kỳ tăng 10 đơn (tỉnh 18 đơn, huyện 5 đơn); đơn vị cũng đã ban hành văn bản trả lời 21 đơn, còn lại đang tiếp tục giải quyết. Đặc biệt, định kỳ hàng năm, TAND tỉnh tiếp tục duy trì giao lưu và phát huy quan hệ hợp tác quốc tế trên lĩnh vực pháp luật với Tòa sơ thẩm và Viện công tố 2 tỉnh Kandal, Takeo (Vương quốc Campuchia). Tổ chức thành công hội nghị Tòa án 3 tỉnh An Giang, Takeo, Kandal, trong đó trao đổi kinh nghiệm trong công tác xét xử, đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là ma túy, tội phạm buôn bán người qua biên giới, hỗ trợ công tác ủy thác tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho Thẩm phán và cán bộ gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động tố tụng của tòa án 2 quốc gia.    

Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hồng Quang nhận định và đề nghị: “Ngoài những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế TAND 2 cấp tỉnh An Giang cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khắc phục như: tỷ lệ giải quyết án dân sự, kinh doanh thương mại chỉ đạt hơn 63%; án quá hạn còn nhiều (348 vụ); tỷ lệ án tạm đình chỉ ở một vài đơn vị còn ở mức cao… Qua đó, Ban Cán sự  Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh cần quán triệt sâu sắc hơn nữa quyết định số 120 của Chánh án TAND tối cao; quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01 của Ban Cán sự Đảng TAND tối cao và Chánh án TAND tối cao; tiếp tục thực hiện 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, đẩy nhanh tiến độ xét xử các loại vụ án, nhất là các vụ án lớn, trọng điểm được dư luận quan tâm; tiếp tục chú trọng công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết án dân sự và hành chính, coi đây là giải pháp đột phá để giảm tải áp lực cho tòa án khi số lượng án thụ lý ngày một tăng cao; chú trọng cải cách thủ tục hành chính - tư pháp, đây là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng công tác tòa án và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận công lý…”.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG