Tiếp tục xử lý tin nhắn rác

03/04/2024 - 07:43

 - Hầu như người dân sử dụng thuê bao điện thoại di động nào cũng gặp phải tình trạng tin nhắn rác, gây phiền hà vô cùng. Đề nghị mạnh tay xử lý tình trạng cũng là nội dung thường xuyên được người dân gửi đến ngành chức năng, trong đó có người dân tỉnh An Giang.

Khoản 3, Điều 3 Nghị định 91/2020/NĐ-CP, ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác, bao gồm: Tin nhắn quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng; tin nhắn quảng cáo vi phạm quy định về cấu trúc tin nhắn, không có nhãn, giá cước, không có hình thức từ chối nhận tin nhắn; tin nhắn vi phạm nội dung bị cấm theo Điều 9 Luật Giao dịch điện tử, Điều 12 Luật Công nghệ thông tin, Điều 12 Luật Viễn thông, Điều 8 Luật Quảng cáo, Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng, Điều 8 Luật An ninh mạng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tin nhắn rác hiện nay xuất hiện dưới 3 hình thức. Đầu tiên là tin nhắn truyền thống (thông qua dịch vụ nhắn tin của doanh nghiệp (DN), phần lớn do tổ chức, cá nhân thực hiện để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, họ thực hiện không đúng quy định về quảng cáo dịch vụ qua tin nhắn, nên gây ra phiền hà cho thuê bao viễn thông. Thứ hai là tin nhắn trên các ứng dụng (Facebook, Messenger, Viber, Zalo...).

Thời gian gần đây, hình thức này được tổ chức, DN sử dụng nhiều, do số lượng người sử dụng ứng dụng tăng nhanh, chi phí thấp, có thể truyền tải kèm theo hình ảnh, video clip. Thứ ba là tin nhắn do đối tượng sử dụng trạm thu phát sóng giả (trạm BTS giả). Hình thức mới phát sinh này gây ra nhiều hệ lụy, nhức nhối trong xã hội, do đối tượng lừa đảo, quảng cáo về dịch vụ, sản phẩm bị cấm.

Cách thức phòng tránh tin nhắn rác

Hiện nay, DN viễn thông di động đã hoàn thành xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thuê bao có giấy tờ tùy thân đăng ký, sở hữu trên 10 SIM, góp phần ngăn chặn tình trạng phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Ngoài ra, trong năm 2023, mỗi tháng, DN viễn thông chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác, 50.000 thuê bao lừa đảo.

Cả năm, ngành TT&TT tổ chức 82 đoàn thanh tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao đối với 8 DN viễn thông di động, chi nhánh, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc bộ (Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin) phối hợp Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục An ninh chính trị nội bộ) tiến hành thanh tra tại DN viễn thông. Đồng thời, Bộ TT&TT triển khai 180 cuộc thanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 135 trường hợp vi phạm trong hoạt động thông tin điện tử, mạng xã hội, số tiền trên 2,1 tỷ đồng.

Từ năm 2022 đến nay, Bộ TT&TT chỉ đạo sử dụng kỹ thuật, công nghệ rà soát, phát hiện 20 vụ sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, bàn giao hồ sơ cho Bộ Công an, công an địa phương điều tra, xử lý. Các cơ quan chức năng xử phạt hơn 3 tỷ đồng đối với 7 DN, 39 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, 4 cá nhân vi phạm về quản lý thông tin thuê bao, thu thập, sử dụng trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác để đăng ký thông tin thuê bao, quảng cáo sai quy định.

Ngày 24/11/2023, Quốc hội thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi), quy định nghĩa vụ của DN phải xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác; thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác, trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao đã đăng ký sử dụng. Bộ TT&TT tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 14/2022/NĐ-CP, ngày 27/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Trong đó, quy định xử phạt đến 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao; bổ sung hình thức xử phạt đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 1 - 12 tháng. Đây là hình thức xử phạt rất nặng, nghiêm minh đối với DN viễn thông.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian tới, bộ sẽ xây dựng trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định chi tiết Luật Viễn thông năm 2023, nhằm đảm bảo thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác, ngăn chặn việc kích hoạt, bán SIM đã đăng ký trước thông tin thuê bao; xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật về quản lý thông tin thuê bao di động.

Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo DN viễn thông di động nghiên cứu, hoàn thiện bộ tiêu chí xác định tin nhắn rác, cuộc gọi rác; thường xuyên rà quét, ngăn chặn; tiếp tục rà soát, ứng dụng công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo...) để bảo đảm tính chính xác của thông tin thuê bao, kịp thời cắt hủy thuê bao có thông tin không chính xác; tăng cường giám sát, xử lý vi phạm đối với trường hợp đăng ký số lượng lớn SIM không đúng quy định. Kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời hoạt động tiếp nhận, xử lý phản ánh về tình trạng tin nhắn rác tại DN viễn thông; triển khai triệt để việc sử dụng tên định danh để gửi tin nhắn quảng cáo.

Bộ TT&TT tiếp tục sử dụng phương tiện, thiết bị, hạ tầng kỹ thuật viễn thông rà quét, phát hiện, phối hợp Bộ Công an xử lý nghiêm minh đối tượng sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, công khai thông tin về tổ chức, DN, cá nhân lợi dụng phát tán tin nhắn rác, gửi tin nhắn quảng cáo không đúng quy định” - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bộ TT&TT vận hành hệ thống hỗ trợ tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số tiếp nhận 5656, 156, website: thongbaorac.ais.gov.vn; tuyên truyền, cảnh báo người sử dụng dịch vụ viễn thông về cuộc gọi lừa đảo; khóa 2 chiều và thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn.

 

VẠN LỘC