Tiêu hủy heo bệnh đúng cách

06/08/2019 - 07:01

 - Gần đây, một số người dân phản ánh đến Báo An Giang, việc tiêu hủy heo bị mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi gần nơi họ sinh sống có đúng quy định hay không, liệu có ảnh hưởng đến môi trường trước mắt và lâu dài không? Chưa kể, quá trình xử lý tiêu hủy phải đảm bảo những vấn đề gì để không tạo thành ổ dịch nguy hiểm trong lòng đất, đe dọa sự an toàn của đàn heo khỏe mạnh khác gần đó?

Việc tiêu hủy heo bệnh phải thực hiện theo quy định

Anh T.Q.L (sinh năm 1991, ngụ phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) phản ánh: “Vừa qua, khi tiến hành tiêu hủy heo mắc bệnh, không rõ chính quyền địa phương thực hiện quy trình như thế nào, nhưng lại gây ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của chúng tôi. Mùi hôi từ nơi chôn lấp kéo dài nhiều giờ, khiến sức khỏe của mọi người đều bị ảnh hưởng, nhất là người già và trẻ nhỏ. Sau khi nhận được phản ánh, chính quyền địa phương đã tăng cường kiểm tra việc chôn lấp, đến nay không phát sinh mùi hôi tại đây nữa. Tuy nhiên, thiết nghĩ khi tiêu hủy heo bệnh, cần phải đảm bảo quy trình và kỹ thuật, đặc biệt là tại các vùng dịch nằm trong khu dân cư, đông người sinh sống”. Ông N. (hộ dân ngụ phường Mỹ Phước) cũng có phản ánh tương tự, khi việc chôn lấp heo bệnh nằm ngay cạnh khu dân cư.

Ngay sau khi nhận phản ánh, chính quyền địa phương các nơi đã nhanh chóng xử lý vụ việc và nhận được sự đồng thuận của người dân. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Mỹ Phước Đoàn Thị Hương Hà cho biết: “Theo nguyên tắc, phải tìm vị trí gần ổ dịch để tiêu hủy, không được phép mang xác heo đi nơi khác xa hơn. Nơi tiêu hủy được thành phố thẩm định, cho phép mới tiến hành chôn lấp. Quá trình xử lý ổ dịch, chúng tôi thực hiện theo hướng dẫn của ngành chuyên môn; thường xuyên cử người đến kiểm tra, giám sát nơi tiêu hủy để nhanh chóng xử lý vấn đề phát sinh. Sau khi được giải thích, các hộ dân đã thống nhất cách làm với địa phương. Chúng tôi cam kết với người dân: không để xuất hiện mùi hôi, ảnh hưởng môi trường từ việc tiêu hủy heo bệnh”.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, có 8 bước xử lý ổ bệnh dịch tả heo Châu Phi, trong đó bước 5 là xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh. Trường hợp địa điểm tiêu hủy ở ngoài khu vực hộ nuôi có ổ dịch, tất cả thành viên Tổ tiêu hủy mặc bảo hộ cá nhân. Tổ tiêu hủy cử 1 người rải vôi bột từ chỗ xe vận chuyển đến chuồng nuôi, rải vôi trong khu vực chuồng và xung quanh chuồng; vào chuồng nuôi gây ngất heo cho vào bao, buộc chặt miệng bao, thực hiện cân và thống nhất về số lượng, trọng lượng với chủ hộ (chủ hộ phải mặc bảo hộ khi vào chuồng nuôi), tập trung bao chứa vào một chỗ để phun khử trùng trước khi vận chuyển ra xe. Di chuyển toàn bộ heo lên xe (phương tiện sử dụng để vận chuyển heo đến địa điểm tiêu hủy phải có sàn kín; phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi vận chuyển đến địa điểm tiêu hủy). Tất cả các thành viên Tổ tiêu hủy cởi bảo hộ cho vào bao và cử 1 người ở lại thực hiện phun xịt toàn bộ chuồng nuôi, phun xịt xung quanh chuồng, phun xịt từ chuồng ra xe vận chuyển, đưa bảo hộ của tổ lên xe và cởi bảo hộ cho vào bao đưa lên xe. Tất cả Tổ tiêu hủy cởi đồ đang mặc cho vào nước xử lý có pha hóa chất, vệ sinh cơ thể bằng xà phòng, mặc đồ mới trước khi ra khỏi hộ nuôi. Phía bên ngoài bố trí lực lượng khác thực hiện phun xịt xe, xung quanh xe trước khi vận chuyển, phun xịt khi Tổ tiêu hủy di chuyển ra ngoài để đến hố tiêu hủy. Trường hợp địa điểm tiêu hủy tại hộ nuôi có ổ dịch, rải vôi khu vực chuồng, xung quanh chuồng và từ chuồng đến hố tiêu hủy.

 Hố chôn heo mắc bệnh được chọn theo hướng dẫn của Phòng Tài nguyên và Môi trường; phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích. Nên chọn nơi chôn trong vườn (tốt nhất là vườn cây ăn trái hoặc lấy gỗ). Hố được chọn ưu tiên tại khu đất của hộ nuôi có heo mắc bệnh. Kích cỡ phải đủ rộng phù hợp với khối lượng động vật, sản phẩm động vật và chất thải cần chôn. Ví dụ, nếu cần chôn 1 tấn động vật thì hố chôn cần có kích thước: sâu 1,5-2m, rộng 1,5-2m, dài 1,5-2m. Hố chôn phải được đào xong và lực lượng tham gia đào hố phải di chuyển trước khi vận chuyển heo đến tiêu hủy. Nếu hố chôn chọn tại hộ nuôi có ổ dịch thì lực lượng tham gia đào hố phải bố trí hướng đi vào và ra sao cho không đi ngang hoặc gần khu vực chuồng nuôi có heo bị bệnh. Khi đào xong hố, trước khi di chuyển ra ngoài, lực lượng đào hố phải được vệ sinh, tiêu độc kỹ nhằm đảm bảo không mang mầm bệnh ra ngoài. Trong trường hợp lực lượng tham gia đào hố bắt buộc phải đi qua chuồng nuôi hoặc nhận thấy cần thiết, lực lượng tham gia đào hố phải bắt buộc mặc bảo hộ và xử lý bảo hộ trước khi ra ngoài. Hố được lót bạt ny-lon và rải một lớp vôi bột xuống đáy hố theo tỷ lệ khoảng 1kg vôi/m2. Khi đưa toàn bộ số heo bệnh vào hố xong, tiến hành rải một lớp vôi bột lên bề mặt theo tỷ lệ khoảng 1kg vôi /m2, phun thuốc sát trùng, phủ bạt ny-lon lại, lấp đất và nện chặt; yêu cầu khoảng cách từ bề mặt bao chứa đến mặt đất tối thiểu là 0,5m, lớp đất phủ bên trên bao chứa phải dày ít nhất là 1m và phải cao hơn mặt đất để tránh nước chảy vào bên trong gây sụt, lún hố chôn.

Hố chôn phải có biển cảnh báo người ra vào khu vực. UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý, tổ chức kiểm tra định kỳ và xử lý kịp thời các sự cố sụt, lún, xói mòn, rò rỉ, bốc mùi của hố chôn. Địa điểm chôn lấp phải được đánh dấu trên bản đồ của xã, ghi chép và lưu giữ thông tin tại UBND xã, phường, thị trấn.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH