Tiểu thương ở chợ quê

17/12/2024 - 06:40

 - Tiểu thương ở các chợ quê là những người giữ nhịp sống lao động cần mẫn và gắn bó với nghề qua bao thăng trầm. Tại TX. Tân Châu, ở những khu chợ, như: Tân Châu, Long Hưng hay Cầu Chùa phản ánh rõ sự bền bỉ và tinh thần lạc quan của người dân nơi đây, dù chợ quê đang thay đổi từng ngày dưới tác động của cuộc sống hiện đại.

Chợ Tân Châu là nơi mua bán sầm uất và sôi động nhất TX. Tân Châu. Hơn 30 năm gắn bó với nghề bán bún cá, bún riêu cua và hủ tiếu cũng là ngần ấy năm chị Nguyễn Thị Ngọc Bích gắn bó với chợ. Công việc bắt đầu từ 4 giờ sáng, chị Ngọc dậy chuẩn bị nước dùng và những nguyên liệu tươi ngon nhất để nấu nước súp. Sau buổi bán, chị lại tiếp tục làm cá, lặt cua, chuẩn bị rau cho ngày hôm sau. “Dù không quá vất vả, nhưng ai không chịu cực thì khó bám trụ với nghề này” - chị Ngọc chia sẻ. Với thu nhập khoảng 300.000 - 400.000 đồng/ngày, chị cố gắng giữ giá để khách lao động no lòng. Tuy nhiên, chị không khỏi trăn trở: “Người ta giờ mua hàng online nhiều, chợ vắng khách vãng lai lắm. Chủ yếu tôi bán cho khách quen”.

Cách đó không xa, chị em cô Lê Thị Nhàn và Lê Thị Nhịp bận rộn với sạp vải trong khu nhà lồng chợ Tân Châu. Đã hơn 40 năm gắn bó với nghề, họ hiểu rõ sự bấp bênh của việc buôn bán nơi chợ quê. “Một món hàng chỉ lời vài nghìn đồng, nhưng bỏ nghề thì không biết làm gì khác” - cô Nhàn thổ lộ. Những ngày khách sỉ đến chốt đơn hàng lớn, lợi nhuận thực tế vẫn không đáng là bao sau khi trừ chi phí. Cô Trần Thị Thanh Vân (tiểu thương bán vải) nhớ lại: “Tôi ra chợ từ năm 16 tuổi, giờ đã 62 tuổi. Có ngày dọn hàng ra không bán được gì nhưng vì lớn tuổi nên tôi gắng theo”.

Không khí mua bán khá sôi nổi tại chợ Tân Châu

Ở chợ Long Hưng, anh Lê Hữu Thiện bán rau củ từ sáng sớm đến tối muộn. Mặt hàng rau củ giá cả phụ thuộc lớn vào mùa vụ và thị trường. Ăn bữa trưa muộn, anh Thiện kể: “Gần Tết thì bán được, còn ngày thường bán chậm lắm. May mà giờ có điện thoại nhận đơn qua Zalo, giao hàng tận nơi, nên đỡ hơn trước”. Tuy nhiên, anh cũng nhận thấy sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng đã khiến chợ quê thưa thớt dần, không còn đông đúc như những năm trước.

Tại chợ Cầu Chùa, xã Vĩnh Xương, gần vành đai biên giới, chị Cát đon đả mời khách bằng giọng vui vẻ: “Mua cá rô về ăn đi chị!”. Bán cá và khô từ 4 giờ sáng đến tối, mỗi ngày, chị Cát kiếm được khoảng 200.000 đồng. “Cá ít, khách cũng ít, nhưng tôi quen nghề. Không làm thì buồn” - chị Cát tâm sự. Gần đó, chị Thủy, người bán cá, tép và trái cây, lại có cách buôn bán khác biệt. Chị Thủy không cố định ở một chợ, mà di chuyển giữa các chợ để tránh ế hàng. “Ngày bán lời khoảng 70.000 - 100.000 đồng, tôi ở nhà không có gì làm, buôn bán chút đỉnh nuôi con ăn học” - chị Thủy nói. Dù vất vả, chị không ép con cái nối nghiệp: “Tụi nhỏ tự chọn nghề mình thích, mình chỉ muốn chúng có cuộc sống tốt hơn”.

Những câu chuyện từ các tiểu thương cho thấy sự chuyển mình của chợ quê giữa thời hiện đại. Thói quen mua sắm qua mạng, người trẻ đi làm xa và sự cạnh tranh từ các siêu thị, cửa hàng tiện ích đã khiến các chợ quê không còn là trung tâm sầm uất như trước. Nhưng dù khó khăn, các tiểu thương vẫn gắn bó với nghề bằng sự kiên nhẫn và tình yêu lao động. Họ không chỉ mưu sinh mà còn góp phần giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của vùng quê.

VIÊN AN