Tìm lại Bữa tối cuối cùng của Leonardo da Vinci với bí ẩn kỳ diệu

29/05/2019 - 09:21

“Bữa tối cuối cùng,” hay còn gọi là “Tiệc ly,” là một trong số những tác phẩm nổi tiếng của danh họa người Italy, Leonardo da Vinci, đã mất 22 năm phục chế, để trưng bày trở lại trước công chúng.

Tác phẩm Bữa tối cuối cùng của danh họa Leonardo da Vinci. (Nguồn: Getty)

“Bữa tối cuối cùng,” hay còn gọi là “Tiệc ly,” là một trong số những tác phẩm nổi tiếng của danh họa người Italy, Leonardo da Vinci.

Tuy nhiên, kể từ khi được biết đến rộng rãi, bức họa đã bị hư hại bởi thời gian cũng như tác động của con người.

Những công nghệ hiện đại của thế kỷ XX đã cho chúng ta cơ hội khôi phục bản gốc tác phẩm trứ danh này. Và ngày 28/5/1999, sau 22 năm phục chế, kiệt tác “Bữa tối cuối cùng” đã trở về gần nhất với hình hài ban đầu, được trưng bày trở lại trước công chúng.

Leonardo DaVinci - một con người sống cách chúng ta đã 5 thế kỷ, nhưng lòng kính phục và kinh ngạc mà chúng ta dành cho sự thông tuệ tuyệt vời đối với ông không hề nhạt đi, ngược lại ngày càng được bồi đắp và củng cố.

Những di sản về kiến trúc, quân sự, khoa học, hội họa,… cũng như thân thế, cuộc đời và những thông điệp bên trong các tác phẩm của ông, vẫn luôn là đề tài hấp dẫn, là những bí ẩn kỳ diệu mà chúng ta vẫn chưa khám phá hết.

Tìm lại “Bữa tối cuối cùng”

Vào thế kỷ XV, những bức tranh khổ lớn trên tường, được gọi là “bích họa”, thường được các họa sĩ tạo ra bằng cách trộn bột màu với thạch cao ướt để tạo ra một liên kết vĩnh viễn.

Tuy nhiên, khi nhận lời vẽ lên bức tường cuối sảnh ăn, tại tu viện Santa Maria delle Grazie ở Milan, Italy, Leonardo DaVinci đã sử dụng một kỹ thuật mới là trộn hỗn hợp dầu và sơn để vẽ lên một bức tường thạch cao đã khô.

Điều này cho phép ông tạo ra màu sắc phong phú hơn, chi tiết sắc sảo hơn với tốc độ làm việc chậm hơn, nhưng đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bức họa nhanh chóng bị hủy hoại.

Không lâu sau khi được hoàn thành vào ngày 9/2/1498, bức tranh đã bắt đầu xuống cấp do môi trường ẩm ướt và những lớp sơn bị bong tróc.

Những lớp màu nhạt đi, bề mặt bị tổn hại, và 60 năm sau, người ta đã không thể nhận ra những con số trên tranh. Đồng thời, chiến tranh và những biến động trong lịch sử cũng góp phần hủy hoại bức họa nổi tiếng này.

Năm 1762, lần đầu tiên bức họa được trùng tu khôi phục dưới bàn tay của Michelangelo Bellotti. Ông đã vẽ thêm màu vào tranh bằng sơn dầu, sau đó dùng vecni phủ lên toàn bộ tranh gốc.

Vài năm sau, một nghệ sỹ nghiệp dư được thuê để tiếp tục làm công việc này. Anh ta vẽ lại gần như toàn bộ bức tranh và buộc phải chấm dứt công việc trước sự phẫn nộ của công chúng.

Những cuộc trùng tu thô bạo và thiếu kỹ thuật trong quá khứ, không những không ngăn chặn được tác động của môi trường mà còn hủy hoại bức tranh gốc và tạo ra nhiều dị bản cho bức họa nổi tiếng này.

Cuối những năm 1970, tình trạng của bức họa ngày càng tồi tệ. Pinin Brambilla Barcilon đã dẫn đầu một dự án phục hồi lớn nhằm khôi phục và bảo tồn bản gốc bức tranh.

Không thể di chuyển bức tranh đến một địa điểm khác, các nhà khoa học đã cải tạo khu vực phòng ăn cũ thành một môi trường kín để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm cho phù hợp.

Người ta cũng sử dụng công nghệ mới để xác định hình ảnh ban đầu, sau đó loại bỏ những lớp màu đã từng được phủ lên trong các lần cải tạo trước đó để trả lại hình ảnh của bức tranh gốc.

Cuộc “đại trùng tu” trên “Bữa tối cuối cùng” kéo dài trong gần 22 năm, từ năm 1978 đến năm 1999 mới hoàn thành.

Ngày 28-5-1999, bức tranh được khôi phục gần với bản gốc nhất đã được đưa trở lại để trưng bày trước công chúng, nhưng giờ đây, nó được kiểm soát chặt chẽ.

Du khách muốn vào sẽ phải đi qua một phòng khử trùng và chỉ được phép ở lại chiêm ngưỡng trong vòng 15 phút, nhằm đảm bảo độ ổn định trong môi trường quanh kiệt tác này.

Kiệt tác của nhân loại

Judas - một trong số các môn đồ của Chúa Jesus - đã tố giác với nhà cầm quyền La Mã, bán đứng người thầy của mình để đổi lấy 30 thỏi bạc.

Ở bữa ăn tối cuối cùng trước khi bị đóng đinh vào ngày hôm sau, Chúa đã nói với các tông đồ của mình: "Trong các người có kẻ muốn bán rẻ ta."

Đó là câu chuyện và bối cảnh của bức họa: The Last Supper - Bữa tối cuối cùng, hay “Bữa tiệc ly” - một trong những chủ đề quan trọng của “Nghệ thuật thánh-Công giáo.”

Trước thời Leonard da Vinci, “Bữa tiệc ly” được xem là một sự kiện “thần thiêng,” được thể hiện một cách tượng trưng, với sự uy nghiêm thuần khiết.

Sau thời Leonard da Vinci, hầu hết các tác phẩm thể hiện đề tài này lại chỉ coi đây là một sự kiện lịch sử. Tính chất “Thần thiêng” được thay thế bởi tính chất “hiện thực,” khiến chúng mang tính phóng khoáng, đời thường hơn.

“Bữa tiệc ly” của Leonardo da Vinci là tác phẩm đầu tiên và duy nhất dung hòa tính chất “thần thiêng” và tính chất “thế tục” một cách hoàn hảo, với sự hoà trộn một cách tuyệt diệu ngôn ngữ tả thực và ngôn ngữ ẩn dụ.

Nó vừa thể hiện được tính cách uy nghiêm của chủ đề, vừa hết sức sinh động và rất con người. Trên bức họa cao 460cm và rộng 880cm, danh họa đã vẽ 13 nhân vật với 13 dáng vẻ, thần thái, biểu cảm khác nhau.

Trong đó, có một môn đồ mặt tái nhợt, lưng hơi ngả về sau, tay nắm chặt túi tiền - đó chính là Judas. Sau lưng Judas là một khoảng tối, còn sau lưng chúa Jesus là hình ảnh cửa sổ đầy ánh sáng. Ánh sáng chiếu vào gương mặt, làm ánh lên vẻ điềm tĩnh, hiền từ và cương nghị của Ngài.

Ngay sau khi được hoàn thành, tác phẩm đã gây choáng váng cho người mộ điệu đương thời, và nó nhanh chóng trở thành một kiệt tác, không chỉ trong lịch sử “Nghệ thuật Thánh-Công giáo” nói riêng, mà của cả lịch sử nghệ thuật của nhân loại nói chung.

Những tác phẩm văn hóa có thể bị phai phôi bởi thời gian, nhưng giá trị cũng như sức ảnh hưởng của chúng sẽ còn mãi cùng lịch sử nhân loại, và Leonardo da Vinci, hay những tuyệt tác nghệ thuật của ông, chính là một điển hình của sức sống trường tồn đó.

Theo THU HẠNH (TTXVN/Vietnam+)