Tìm ra loài hoa ‘e thẹn’ nhất thế giới

21/01/2022 - 07:51

Do có thể nhanh chóng khép cánh lại khi bị chạm vào, loại hoa long đởm (gentiana) ở cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc) đã được mệnh danh là “e thẹn” nhất thế giới.

Hoa long đởm, hay còn gọi là gentiana, ở Tây Tạng. Ảnh: China Daily

Theo tờ China Daily, cư dân mạng Trung Quốc đã gọi loài hoa này là loài thực vật "e thẹn" và "nhút nhát" nhất trên thế giới. Sự chuyển động nhanh chóng của những cánh hoa luôn hấp dẫn các nhà khoa học và những người yêu thiên nhiên. Bởi lẽ, không giống như động vật, thực vật thường được coi là sinh vật tĩnh.

Một số loại lá chuyên biệt của họ cây ăn thịt có thể phản ứng khi chạm vào trong vòng vài giây, chẳng hạn như lá của cây bẫy ruồi Venus. Nhưng về khả năng phản ứng trong vài giây ngắn ngủi của gentiana, loài hoa duy nhất khác được biết đến có thể hiện hành vi như vậy là cây gọng vó (sundew). 

Theo nghiên cứu trên tạp chí khoa học tiếng Anh Science Bulletin của Trung Quốc, cây su su có thể co ngọn lại trong vòng từ 2 đến 10 phút sau khi bị tác động.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho hay bốn loài gentiana ở cao nguyên Thanh Hoa - Tây Tạng chỉ mất từ 7 - 210 giây để khép cánh hoa của chúng, khiến chúng trở thành những loài hoa nhạy cảm và phản ứng nhanh nhất trên thế giới.

Những bông hoa này được phát hiện vào năm 2020 gần một hồ nước ở Nagchu, khu tự trị Tây Tạng. 
Dai Can, Giáo sư Trường Khoa học Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Hồ Bắc, một trong những nhà khoa học đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết: "Thật là bất ngờ khi được chứng kiến bằng mắt thường. Những bông hoa biến mất ngay trước mặt bạn".

Sau khi đi thăm hơn 20 địa điểm ở Tây Tạng, họ đã tìm thấy 4 loài gentiana có biểu hiện chuyển động như: G. pseudoaquatica; G. prostrata var. karelinii; G. clarkei và một loài gentian không xác định.
Nguyên nhân đứng đằng sau hành vi nhanh chóng này có thể là một cơ chế để loài hoa tự bảo vệ mình khỏi sự xâm nhập lặp đi lặp lại của ong vò vẽ.

Nghiên cứu cho biết do kích thước cơ thể lớn của côn trùng và xu hướng rạch các ống hoa để lấy mật, 98,8% số hoa mà ong vò vẽ tiếp cận đều có biểu hiện bị khép lại.

Những bông hoa bị ong vò vẽ thu mật đều chịu thiệt hại đáng kể. Gần 80% hoa bị tổn thương bên ngoài, với 6% bị thương ở noãn. Do đó, phản ứng khép cánh nhanh có thể hữu ích trong việc ngăn chặn ong vò vẽ và bảo vệ noãn của hoa khỏi những thiệt hại “chết chóc”. 

Hay như một cách giải thích khác, loài thực vật này đã tiến hóa để khuyến khích ong vò vẽ thụ phấn hoa hiệu quả hơn giữa những bông hoa khác nhau. Vì khi một bông hoa cụp lại, nó sẽ báo hiệu cho côn trùng rằng bông hoa này đã được lấy mật và nên đi tìm bông hoa khác. 

Wang Qingfeng, nhà nghiên cứu tại Vườn Bách thảo Vũ Hán của Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết cả hai giả thuyết trên đều rất thú vị và cần được xem xét thêm trong các nghiên cứu tương lai.

Theo HOÀNG TRANG (Báo Tin Tức)