(Nguồn: Shutterstock)
Khoảng 110 triệu năm trước, tại khu vực ngày nay là Australia, một “con rồng” biết bay đã thống trị cả bầu trời.
Theo nghiên cứu mới nhất, với sải cánh ước tính dài khoảng 7 mét, đây là một sinh vật thuộc loài Pterosaur với kích thước lớn nhất lục địa.
Hóa thạch Pterosaur (thằn lằn có cánh hay dực long) rất hiếm khi tìm thấy ở Australia. Tuy nhiên mới đây, mảnh hóa thạch thuộc loài Pterosaur được tìm thấy tại một địa điểm ở phía tây bắc của Queensland và đã được đặt cho cái tên Thapunngaka shawi.
Tên này kết hợp từ “thapun” nghĩa là “giáo” và “ngaka” nghĩa là "miệng", “Shawi” lấy từ tên người đàn ông tìm thấy hóa thạch Len Shaw.
"Vì vậy, cái tên có nghĩa là 'miệng giáo của Shaw,'" các nhà khoa học viết trong nghiên cứu.
Các nhà khoa học xác định loài vật này xuất hiện ở khoảng từ kỷ Phấn trắng (khoảng 145,5 triệu đến 65,5 triệu năm trước).
Hộp sọ của T.shawi dài hơn 1 mét. Sau khi đếm hốc răng trên mảnh xương, nhóm nghiên cứu xác định loài này có ít nhất 26 chiếc răng ở hàm dưới, tổng cộng có thể chứa tới 40 cái răng.
Loài bò sát đã tuyệt chủng này gần giống nhất với “thứ mà chúng ta gọi là rồng,” trích lời Tim Richards - tác giả chính của nghiên cứu, đồng thời là nghiên cứu sinh tại Phòng thí nghiệm Cổ sinh vật học và Cơ sinh học của Đại học Queensland (UQ).
Theo nghiên cứu, loài khủng long miệng giáo có mào ở dưới hàm dưới, và cũng có thể có mào ở hàm trên.
“Những chiếc mào này có thể đóng một vai trò nào đó trong việc giúp sinh vật này bay,” đồng tác giả của nghiên cứu, Steven Salisbury, giảng viên cấp cao tại Trường Khoa học Sinh học UQ cho biết.
Khi T.shawi còn sống, khoảng 60% lục địa Australia là nước. Ông Richards cho biết tuy không đủ lớn để xếp vào nhóm loài săn mồi, "rồng" T. shawi ở kỷ Phấn trắng vẫn là một kẻ săn mồi nhanh nhẹn, sà xuống vớt cá lên khỏi mặt nước hoặc rình mồi nhỏ trên cạn.
“Nó là nỗi ám ảnh của một số loài khủng long cỡ nhỏ," ông nói./.
Theo Vietnam+