Tìm thấy mũi tên 1.300 năm trong băng còn nguyên vẹn

24/08/2022 - 14:13

Nhóm các nhà khoa học Na Uy Secrets of the Ice (Bí mật của băng) vừa phát hiện một mũi tên được bảo quản gần như còn nguyên vẹn trong lớp băng có niên đại từ thời kỳ đồ sắt ở Bắc Âu (khoảng năm 500 trước Công nguyên đến năm 800 sau Công nguyên).

Mũi tên được phát hiện ở khe những tảng đá sau khi lớp băng trên bề mặt tan. (Ảnh: Ancient Origins)

Biến đổi khí hậu gây nên tình trạng các khối băng tan chảy, và hai tảng băng lớn có tên Langfonne và Lendbreen đang làm lộ dần những “kho báu” chôn giấu bên trong chúng hàng nghìn năm nay. Những mũi tên này là phát hiện mới nhất từ khối băng trôi Langfone, cho biết những thông tin về cuộc sống ở con đèo cổ nơi vùng đất phía bắc này. Các nhà khoa học cho rằng, có thể các thợ săn Viking đã sử dụng mũi tên này.

Năm 2011 được biết đến là năm của băng tan chảy. Khi nhiệt độ tăng vọt lên khắp châu Âu, một con đèo cổ đã lộ ra ở tảng băng Langfonne ở vùng núi Jotunheim (Na Uy). Nhiều hiện vật đã được tìm thấy ở vùng này, liên quan đến khu vực săn bắn của người cổ xưa.

Hơn một thập kỷ qua, từ những khu vực băng tan chảy, các nhà khoa học đã phát hiện ra hàng trăm hiện vật thời tiền sử, trong đó một chiếc xe trượt có niên đại khoảng 1.300 năm, một đôi sandal La Mã và 68 mũi tên.

Hồi đầu năm nay, trang tin Live Science đã thông tin về việc phát hiện một mũi tên với một mảnh lông vũ vẫn còn dính vào mũi tên. Đầu mũi tên được mài, do đó chuyển động xoay trên trục mũi tên khiến tốc độ bay ổn định, độ chính xác cao hơn và lực đẩy cũng mạnh hơn. Các nhà khảo cổ cũng xác định được dấu vết của hắc ín dùng để gắn các thành phần vào mũi tên.

Tiến sĩ Lars Pilo, người sáng lập Secrets of the Ice cho biết hiếm khi một mũi tên được bảo quản như vậy, bởi vì chiếc lông chim làm nhiệm vụ điều hướng cho mũi tên thường nhanh chóng bị phân hủy theo thời gian.

Các nhà khoa học ước tính, mũi tên thợ săn này có niên đại vào khoảng 1.300 năm. Mũi tên được tìm thấy ở một khu vực khảo cổ trên vùng núi cao, cung cấp những bằng chứng về những kỹ năng thủ công đã mất của một thế giới đã xa.

Tiến sĩ Pilo cho biết, không lâu sau khi đến khu vực khảo cổ trên tảng băng Langfonne ở vùng núi Jotunheim (ở độ cao 1.750m so với mực nước biển) hồi đầu năm, các nhà khoa học đã tìm thấy mũi tên thời đồ sắt Na Uy ở khu vực rìa tảng băng. Mũi tên được tìm thấy giữa những khối đá vỡ, cách mép sông băng khoảng 100m. Tiến sĩ Pilo cho rằng, mũi tên 1.300 tuổi này đã được phát hiện từ lõi sâu nhất của tảng băng.

Các nhà khoa học phỏng đoán rằng có thể những người thợ săn thời kỳ này đã sử dụng băng trong quá trình theo dấu con mồi để tránh bị côn trùng cắn trong suốt mùa hè. Có thể mũi tên này do một thợ săn làm rơi, bị chìm xuống nước và sau này được tìm thấy khi lớp băng tan dần.

Hầu hết các mũi tên cổ đại được tìm thấy tại địa điểm Langfonne đều có niên đại từ thời kỳ đồ đá mới muộn và thời kỳ đồ sắt muộn, nằm ở khu vực gần với bề mặt của lớp băng hiện tại. Nhiều hiện vật được bảo quản kém hơn đã được tìm thấy ở khu vực rìa băng thấp hơn, trong khi các hiện vật ở trạng thái được bảo quản tốt hơn được tìm thấy dọc hai bên bờ sông băng và phía trên rìa băng cao.

Các nhà khảo cổ đang lập một bản đồ về những phát hiện tương tự, nhưng trong một tương lai không xa, nếu như tình trạng băng tan vẫn tiếp diễn, khối băng sẽ biến mất, và rất nhiều hiện vật ở khu vực này cũng không còn.

Theo KHÁNH NGUYÊN (Nhân Dân)