Không chỉ tự hào, anh Sinh còn rất thành kính khi giới thiệu cho tôi biết về bảng ghi chép gia phả tộc họ mình. Qua đó mới thấy, ngoài việc thể hiện đầy đủ lịch sử của gia tộc, từ thế thứ đến các chi, nhánh thì gia phả còn mang lại giá trị nhân văn vô cùng sâu sắc, không gì so sánh được. Nếu nói nhờ lịch sử dân tộc mà ta biết được truyền thống đấu tranh, dựng nước, mở nước đầy hào khí, bất khuất và oai hùng của “con Rồng, cháu Lạc” thì gia phả giúp đời đời con cháu nhìn vào đấy mà biết được nguồn cội, thấy được truyền thống quý báu của dòng họ. Quả không sai khi ai đó ví “Nhà có phả như nước có sử”! Gia phả như sợi dây vô hình kết nối bao lớp thế hệ cháu con của 1 dòng họ.
Để rồi khi bôn ba muôn dặm nẻo đường, sâu thẳm trong lòng mỗi người vẫn nhớ về nguồn cội, về đạo lý và truyền thống tốt đẹp của gia tộc mình mà... tìm về. Chiêm ngắm tấm bảng gia phả họ Phạm và họ Nguyễn của dòng họ anh Hùng Sinh, trong tôi lại nghĩ về những ca từ nhớ ơn tổ tiên của 1 bài hát: “Chim có tổ, suối có nguồn/ Con người cũng có tổ tiên ơ, con người cũng có tổ tiên...”.
Anh Sinh tự hào về gia phả dòng họ mình
Ở tuổi 84, mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Niệm lúc nhớ, lúc quên nhưng mỗi khi nghe chúng tôi nhắc đến 2 chữ “gia phả”, mắt bà lại sáng lên và huyên thuyên về truyền thống tốt đẹp ấy. “Gia Phả tông chi họ Phạm là bộ “sử tộc” lớn nhất của dòng họ. Ban sưu tầm gia phả gồm 4 người, phân chia nhiệm vụ cụ thể: Phạm Kỳ Phương (sưu tầm tư liệu), Phạm Văn Điển (kiểm điểm), Phạm Thị Thẩm (nhận thật), Phạm Hữu Quới (viết ký sự). Bảng gia phả được hoàn thành ngày 3 tháng 3 năm Mậu Ngọ 1978 và viết lại ngày 1 tháng 6 năm Mậu Ngọ sau nhiều năm tìm kiếm dòng họ từ khắp các nơi, xác thực.
Xuất phát từ việc không muốn nguồn gốc tổ tiên, ông bà bị thất lạc để sau này vô tình gặp nhau lại không nhận ra nhau nên Ban sưu tầm đã không quản khó nhọc đi thực tế, xác minh và chép lại. Khi con còn nhỏ, tôi vẫn thường dạy chúng phải trân trọng và tự hào về gia phả họ tộc vì có “tiền muôn bạc vạn” cũng không mua nổi. Bởi, đó là di nguyện tổ tiên, là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dòng họ” - bà Niệm chia sẻ.
Thế đó, cội rễ người Việt Nam thật giản đơn nhưng lại quý báu vô cùng. Nó không dừng lại ở cây đa, giếng nước hay sân đình, mà còn kéo dài trong những bảng gia phả được dựng nên kỳ công và đặt ở 1 vị trí vô cùng trang nghiêm ở nhà thờ họ. Nhà thờ họ càng lâu đời tượng trưng cho 1 dòng họ bền vững, trường tồn. Đấy cũng là nơi lưu trữ giá trị tinh thần đậm nét nhất của họ tộc qua nhiều đời.
Có thể nói, nếu muốn biết những thông tin gì của dòng họ thì nhà thờ họ là nơi cho đáp án chính xác nhất. Vì nó được ví như “bảo tàng thu nhỏ” lưu trữ những gì quý báu nhất của dòng họ, như: gia phả, bài vị, văn tự cổ... Cứ thế, hàng năm nhà thờ họ là nơi trung tâm, tập trung tất cả những người trong dòng họ về, cùng nhau kính nhớ tổ tiên, những người đã sinh thành, dưỡng dục cháu, con nên người. Thế nên, có nhà thờ họ diễn ra đến hàng chục lễ giỗ 1 năm.
“Nhà thờ họ của gia tộc tôi 1 năm khoảng 6 lễ giỗ. Hầu như tất cả mọi người đều tự nhớ ngày rồi tề tựu về. Mỗi lần như vậy có đến gần 100 người. Trừ những trường hợp ốm đau, bệnh tật, còn lại dù lớn tuổi đến mấy cũng đều dành thời gian về nhà thờ họ để quây quần cùng cháu, con.
Từ trong nhà đến ngoài sân, đâu đâu cũng chật kín chú, bác, anh, chị, em. Không gian yên ắng thường nhật như nhường chỗ cho tiếng cười ấm áp, thân tình của khoảnh khắc sum họp dòng họ. Lúc nào cũng vậy, khi thắp hương kính nhớ tổ tiên xong, nhiều người lại đi quanh xem lại bảng gia phả dòng họ. Rồi họ nắm tay con, cháu đến xem, giải thích và kể lại nguồn gốc ông, bà cho chúng nghe. Đó cũng là cách chúng tôi giáo dục, truyền dạy nho phong, lễ nghi tốt đẹp của dòng họ cho thế hệ sau. Một lễ nghi đã “ăn sâu” vào lòng tôi đó là việc họp họ.
Hễ muốn làm bất cứ việc gì liên quan đến nhà thờ họ hay gia phả là những vị cao niên của dòng họ lại họp ở ngay gian chính điện, đóng góp ý kiến và đưa ra quyết định cuối cùng. Việc này thể hiện đạo lý “kính trên nhường dưới”, tôn trọng những vị tiền bối của dòng họ mình”- anh Hùng Sinh kể về nếp nhà với nét mặt rạng ngời hạnh phúc.
Không dừng lại ở việc kết nối cội nguồn, gia phả còn thể hiện vai trò, vị trí rất quan trọng là củng cố nề nếp gia tộc, giáo dục đạo đức cho con, cháu. Nhờ có gia phả mà nhiều đời sau nhìn vào đấy vẫn biết cội nguồn của mình, họ hàng gồm những ai và công đức ra sao. Nếu gọi gia phả là gia bảo thì cũng không ngoa khi ví gia bảo ấy là “di sản văn hóa” của dòng tộc!
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN