Tín dụng xanh: Đường lớn đã mở

13/01/2024 - 19:52

Ngân hàng là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa những mục tiêu phát triển bền vững thông qua các hoạt động tín dụng, dịch vụ tài chính và quản trị của ngân hàng.

Loạt chính sách tạo thuận lợi thúc đẩy tín dụng xanh

Phát triển bền vững đang là mục tiêu của các doanh nghiệp toàn cầu. Theo cam kết tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), các quốc gia trong đó có Việt Nam, đã đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, một số nền kinh tế đặt mục tiêu Net Zero sớm hơn mốc 2050 nhưng cũng có một số nước thận trọng hơn khoảng 10 – 20 năm.

Theo báo cáo của các quốc gia tại Hội nghị COP27, Việt Nam là một trong các quốc gia đã có những hành động nhanh, kịp thời để triển khai cam kết Net Zero bằng việc ban hành khung chính sách tăng trưởng xanh, như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; ban hành Luật Bảo vệ môi trường (2020) tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy các công cụ kinh tế thực hiện tăng trưởng xanh.

Là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, đồng thời luôn tiên phong trong mọi hoạt động, ngành ngân hàng cũng xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững. Cùng với cả nước, ngành ngân hàng đã tích cực, chủ động và sáng tạo hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Để cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn hoạt động cho vay, cấp tín dụng, quản lý rủi ro về môi trường đảm bảo phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường như:

Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng, Chỉ thị số 03/CT-NHNN năm 2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Tiếp đến, NHNN có Quyết định 1552 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.

Đồng thời, NHNN đã phối hợp với một số tổ chức quốc tế xây dựng hướng dẫn các TCTD xác định và thống kê hoạt động cấp tín dụng cho 12 lĩnh vực xanh, ban hành Sổ tay hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành kinh tế có rủi ro cao về môi trường xã hội,…

Gần đây nhất, NHNN đã ban hành Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước chung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Tín dụng xanh góp phần thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo. (Ảnh: BCG Energy).

Cùng với việc ban hành các cơ chế, chính sách, NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai các chương trình tín dụng xanh thuộc một số ngành, lĩnh vực, như: nông nghiệp xanh, lâm nghiệp; nhà ở và môi trường,… để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với dòng vốn “xanh”, tạo nguồn lực phát triển kinh tế, đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường.

NHNN cũng đã định hướng phát triển tín dụng xanh cho hệ thống thông qua việc ban hành nhiều văn bản như Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (theo Quyết định 1640/QĐ-NHNN năm 2018).

Cho đến gần đây, Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2023.

Năm 2023 có thể nói là năm ngành ngân hàng thể hiện cam kết mạnh mẽ nhất với lĩnh vực tín dụng xanh nói riêng và phát triển Ngân hàng Xanh nói chung. Nhiều ngân hàng lớn nhỏ cũng đã chính thức thành lập Ban chỉ đạo chiến lược, phê duyệt Đề án Ngân hàng Xanh, làm cơ sở cho chiến lược kinh doanh giai đoạn tới.

Tín dụng xanh chiếm tỷ trọng 4,4% tổng dư nợ

Trong giai đoạn 2018-2020, dư nợ tín dụng xanh ghi nhận bước tăng trưởng nhanh từ 100 - 380%/năm (từ 1.727 tỷ đồng năm 2018 lên 13.010 tỷ đồng năm 2020).

Số liệu mới nhất được Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) công bố cho thấy, kết quả đến 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Bên cạnh đó, phát triển bền vững đang trở thành xu hướng tất yếu trong chiến lược kinh doanh của nhiều ngân hàng trên thế giới và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xếp hạng của một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

Xác định thực hiện ESG trên cả ba trụ cột Môi trường (Enviromental), Xã hội (Social) và Quản trị (Governance). Do vậy, các nhà băng lớn tại Việt Nam đã và đang triển khai các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện ESG, bao gồm: thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai ESG gồm các nhân sự cấp cao và đội ngũ chuyên môn nhằm nghiên cứu triển khai thực hành quản lý ESG đồng bộ, hiệu quả trong mọi mặt hoạt động của ngân hàng;

Tích hợp quản trị rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động kinh doanh và chương trình quản trị rủi ro chung của ngân hàng theo lộ trình phù hợp; không cấp tín dụng mới hoặc hạn chế cấp tín dụng đối với các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc ngành, nghề trong danh sách ngành, nghề kinh doanh loại trừ hoặc hạn chế cấp tín dụng của ngân hàng;

Tăng cường truyền thông, tập huấn, đào tạo nhằm lan tỏa, thấm nhuần về tư tưởng phát triển bền vững trong toàn bộ hệ thống từ Ban Lãnh đạo đến từng người lao động, đồng thời tích cực truyền thông đến khách hàng nhận thức về ESG và phát triển bền vững; đẩy mạnh triển khai tài chính toàn diện, chuyển đổi số,phát triển sản phẩm và dịch vụ bền vững; thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, hoạt động an sinh xã hội, vì cộng đồng.

Theo TUÂN NGUYỄN (Vietnamnet)