Tín hiệu vui từ phim đề tài xã hội

11/09/2019 - 08:56

Phim "Anh thầy ngôi sao" của đạo diễn Đỗ Đức Thịnh nhận được nhiều lời khen, doanh thu ổn dù đề tài xã hội, giáo dục thường kén người xem

Dù chưa thể đột phá, lập kỷ lục với con số ấn tượng nhưng "Anh thầy ngôi sao" (ra rạp từ ngày 30-8) là phim dẫn đầu doanh thu dịp lễ 2-9 vừa qua. Sự quan tâm của khán giả dành cho phim được xem là tín hiệu đáng mừng với tác phẩm chọn lựa đề tài từng được đánh giá là "khó nhằn" so với những đề tài quen thuộc như tình cảm hài, hành động hài...

Bước đầu chinh phục khán giả

Đề tài xã hội từng không ít lần được nhà làm phim đưa lên màn ảnh rộng như một số phim khai thác chủ đề đồng tính, thời sự: "Sứ mệnh trái tim", "Kẻ trộm chó", "Tao không xa mày"... Các phim lặng lẽ ra rạp trong cảnh đìu hiu do kịch bản chưa chinh phục được khán giả, cách kể chuyện thiếu thuyết phục.

Phim “Anh thầy ngôi sao” được đánh giá cao về phần nhạc. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Gần đây, màn ảnh rộng đón nhận một loạt phim đề tài xã hội như "Tìm chồng cho mẹ", "Thưa mẹ con đi", "Ngôi nhà bươm bướm", "Anh thầy ngôi sao"… Phim "Thưa mẹ con đi" và "Anh thầy ngôi sao" được đánh giá cao hơn so với những phim còn lại dù vẫn còn "sạn". Đại diện truyền thông của phía công ty phát hành CGV cho biết "Anh thầy ngôi sao" dẫn đầu doanh thu dịp lễ 2-9 vừa qua. Sau đó, phim hạ nhiệt và con số doanh thu cũng chưa đến mức ấn tượng nên phía phát hành không công bố cụ thể.

Nhiều người trong giới cho rằng so với các phim cùng đề tài xã hội chịu cảnh "thua đau" thì "Anh thầy ngôi sao" là một tín hiệu đáng mừng. Điều này chứng tỏ khán giả không thờ ơ với những bộ phim mang hơi thở cuộc sống, có tính nhân văn như đề cao tình cảm thầy trò, tình người, ước mơ, khát vọng của người trẻ. Họ chỉ quan tâm câu chuyện được kể như thế nào, có thuyết phục, cuốn hút hay không. Phim "Anh thầy ngôi sao" thành công trong việc kể một câu chuyện chỉn chu, có cảm xúc, cuốn hút. Đạo diễn Đức Thịnh đã kết hợp hài hòa giữa yếu tố nghệ thuật và thương mại khiến phim hài hước nhưng cũng không thiếu chiều sâu.

"Phim kết thúc chưa thuyết phục bởi còn nặng tính sắp đặt nhưng về tổng thể, tôi hài lòng. Dàn diễn viên nhí diễn tốt, lấn át các diễn viên khác" - khán giả Hồng Ngọc nhận xét.

"Bồi hồi, vui nhộn và hào hứng" là cảm nhận của đạo diễn Charlie Nguyễn khi thưởng thức phim. Anh cho biết cảm thấy rung động trong những phân cảnh giữa Hoàng và các học trò nhỏ. Trong khi đó, đạo diễn Lý Minh Thắng đánh giá phim mang lại cảm giác vui và hạnh phúc với những mảng miếng hài quen thuộc của Đức Thịnh cùng câu chuyện dễ thương.

Cần nhiều phim đời thường

Việc các nhà làm phim chuyển hướng sang đề tài xã hội sau một loạt phim ngôn tình, học đường thất bại cũng không phải khó hiểu. Đây là giải pháp đa dạng đề tài, làm phong phú thêm "món ăn tinh thần" cho khán giả trong lúc các đề tài khác rơi vào bão hòa.

"Khán giả trẻ có trình độ thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao. Nhiều phim đề tài chúng ta nghĩ khán giả sẽ không thích xem nhưng cuối cùng lại bất ngờ trước sự đón nhận nhiệt tình. Tôi từng ra rạp xem phim "Ký sinh trùng" rồi "Điều cha mẹ không kể" nặng tính xã hội, kén khán giả và ngạc nhiên khi thấy rạp đông khán giả ở nhiều độ tuổi. Họ bật khóc ở những phân cảnh xúc cảm, cười ở những cảnh hài hước. Tôi vui khi nghe "Anh thầy ngôi sao" mang tính giáo dục được khán giả khen ngợi, đón nhận" - biên kịch Châu Thổ chia sẻ.

Theo biên kịch Châu Thổ, thị trường phim Việt cần nhiều phim với những câu chuyện hướng đến thông điệp tích cực và mang hơi thở cuộc sống. Khi khán giả tin tưởng rằng nhà làm phim Việt có thể tạo nên sản phẩm chỉn chu chứ không chỉ đề cập qua loa, thiếu chiều sâu về một câu chuyện mang tính xã hội thì họ sẽ đón nhận nhiều hơn.

Một số người trong giới cho rằng điện ảnh Việt chịu nhiều định kiến và chưa hoàn toàn tạo niềm tin nơi khán giả. Nhất là những đề tài lâu nay vốn chưa có sản phẩm ấn tượng khiến sự e dè, nghi ngờ tăng cao. Có lẽ vì vậy, nhiều phim đề tài xã hội ra rạp nhưng đến "Thưa mẹ con đi" rồi "Anh thầy ngôi sao"... mới bước đầu xây dựng được niềm tin.

Bà Trịnh Lê Minh Hằng, Giám đốc Skyline Media, nhận định người làm nghề đều ủng hộ những phim đề tài xã hội. Nếu nhà làm phim cân bằng được yếu tố nhân văn cùng tính hài hước giải trí, tạo nên một tác phẩm hài hòa, thu hút khán giả thì rất tốt.

Theo đạo diễn Đức Thịnh, thị hiếu khán giả hiện nay hướng đến những câu chuyện gần gũi, dễ hiểu, có thông điệp nhưng không quá nặng nề. Khán giả khi rời rạp mang tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng nhưng vẫn neo giữ những cảm xúc, thông điệp của phim.

"Tôi chú trọng vào sự gần gũi, dễ hiểu thông qua câu chuyện, cách kể và đặc biệt là phần thoại. Tôi cũng nhờ diễn viên rằng khi thoại mà thấy ngượng, khó thoại là phải báo ngay để xử lý lại. Câu thoại phải giống như mình trò chuyện hằng ngày thì mới thuyết phục được khán giả tin rằng đấy là chuyện đời thường" - đạo diễn Đức Thịnh chia sẻ.

Hẳn nhiên, phim đề tài xã hội không phải vì gần gũi với đời thường mà dễ làm. Muốn tạo nên tác phẩm hài hòa nghệ thuật và thương mại phải luôn nỗ lực rất nhiều ở phía nhà làm phim. Vì thế, những tín hiệu vui dù nhỏ nhoi trên cũng là nguồn động viên lớn để khán giả Việt sẽ còn được thưởng thức nhiều hơn nữa những tác phẩm tử tế, kỹ lưỡng ở đề tài bị đánh giá là mạo hiểm, kén người xem này. 

Câu chuyện của phim đã truyền cho tôi cảm hứng về sự lạc quan, hạnh phúc và sẽ tiếp thêm động lực cho những bạn trẻ đang gặp khó khăn trong cuộc sống” - nhà thơ Nguyễn Phong Việt đánh giá.

Theo MINH KHUÊ (Người Lao Động)