Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

05/04/2024 - 06:15

 - Vua Hùng là vị Tổ dựng nước của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, mang giá trị tinh thần sâu đậm về tình cảm, lòng tự tôn và tự hào dân tộc. Trải qua bao biến cố của lịch sử, truyền thống ấy là sức mạnh tinh thần của dân tộc để vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong suốt chiều dài lịch sử.

Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung nguồn cội tổ tiên - một ngày giỗ Tổ như dân tộc ta. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ “đồng bào” là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam.

Tất cả các dân tộc trên đất nước Việt Nam, dù miền ngược hay miền xuôi, đều là con một mẹ, là cây một cội, là hoa một cành. Dù ở trong nước hay ngoài nước, người Việt Nam vẫn luôn nhớ mình có chung một ngày giỗ Tổ. Hướng về cội nguồn dân tộc với nén hương thơm từ trầm tích lịch sử, kết tinh văn hóa gốc cội nguồn Việt Nam làm cho hương thơm ấy càng thơm ngát, lan tỏa hơn, chính là góp phần xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ vùng đất Phú Thọ, rồi lan tỏa cả nước, nhất là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung và vào phương Nam. Hiện, thờ cúng Hùng Vương đã có ở nhiều nước trên thế giới, những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Cả nước có hơn 1.417 di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương, ở khắp các vùng miền, từ TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang, An Giang, TP. Cần Thơ... Vì vậy, Ngày giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày hội của đồng bào cả nước với nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian.

Vào ngày này, Nhân dân ta từ khắp mọi nơi trên đất nước về dự giỗ Tổ, tưởng niệm cha Rồng, mẹ Tiên và 18 đời Vua Hùng. Hàng triệu người con mang dòng máu Việt cùng hành hương hoặc hướng về đất Tổ, thắp nén tâm hương, nhớ về nguồn cội, tri ân tổ tiên với lòng thành kính. Những người không có điều kiện về giỗ Tổ thì cùng nhau đến dâng hương tại những đền Vua Hùng được dựng ở nhiều địa phương trong cả nước.

Từ hàng ngàn năm qua, các thế hệ người Việt đã bảo tồn và lưu truyền tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Ngày 10/3 (âm lịch) hàng năm đã trở thành ngày lễ trọng của toàn dân, là Quốc lễ mang bản sắc văn hóa dân tộc rất thiêng liêng. Ngày 6/12/2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” - biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, gồm: Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, giá trị đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là giá trị giáo dục đạo đức truyền thống. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - tụ nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống của dân tộc Việt Nam với triết lý “Con người có tổ có tông”, “Uống nước nhớ nguồn” được trao truyền từ nhiều đời nay đã trở thành nghi lễ dân gian mang tầm cỡ quốc gia ở Việt Nam.

Đây là di sản giá trị độc đáo, đã tồn tại hàng ngàn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài; càng khẳng định vị trí vững chắc trong đời sống xã hội đương đại; khẳng định sức sống của biểu tượng cội nguồn dân tộc, tự hào về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại, nhiều lúc cá nhân không kiềm chế được tham vọng của mình, vì lợi ích cá nhân mà sa vào chủ nghĩa thực dụng, tính ích kỷ. Cùng với mặt trái của nền kinh tế thị trường làm phát sinh nhiều hành vi tiêu cực, tham nhũng; suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Do đó, đề cao ý thức cộng đồng, phát huy tinh thần yêu nước và tăng cường khối đại đoàn kết là việc cần làm nhất.

Trải qua các thời kỳ thăng trầm khác nhau và để có được thành quả như hôm nay là nhờ công lao vĩ đại của cả một dân tộc anh hùng. Từ "Uống nước nhớ nguồn", từ lòng biết ơn các thế hệ ông cha, biết ơn những anh hùng dân tộc, những danh nhân làm vẻ vang cho đất nước. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) còn là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.  

 HỮU NGUYÊN