Tình báo phương Tây theo sát dấu hiệu của Wagner và đầu đạn hạt nhân ở Belarus

09/07/2023 - 19:32

Sau cuộc nổi loạn bất thành của Wagner ở Nga, tình báo Mỹ và châu Âu đã hướng sự chú ý mạnh hơn đến Belarus - quốc gia đã đồng ý tiếp nhận các thành viên Wagner và cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Doanh trại Belarus gần làng Tsel, cách thủ đô Minsk khoảng 90km về phía đông nam, ngày 7/7/2023 Ảnh: AP

Nhưng cho đến nay, theo kênh CNN, các quan chức Mỹ và châu Âu vẫn chưa thấy dấu hiệu rõ ràng rằng một trong hai kịch bản trên đang diễn ra. Trong khi các quan chức tình báo đang theo dõi chặt chẽ một doanh trại quân sự mọc lên bên ngoài Minsk sau cuộc binh biến ở miền nam Nga, họ cũng nhận thấy các thành viên Wagner dường như không di chuyển tới Belarus hàng loạt.

“Có thể xảy ra trường hợp Wagner quyết định không chuyển đến đây", Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết hôm 6/7. Ông Lukashenko nói với CNN rằng lãnh đạo Wagner, Yevgeny Prigozhin, thậm chí không ở Belarus, mà hiện đang ở Nga.

Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các cơ sở cần thiết ở Belarus để cất giữ vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ sẵn sàng hoạt động vào ngày 7/7, nhưng lúc này các quan chức phương Tây cũng không thấy dấu hiệu nào cho thấy điều đó. Họ cho biết Belarus dường như vẫn chưa có cơ sở hạ tầng phù hợp để chứa vũ khí và có thể sẽ mất vài tháng, nếu không muốn nói là lâu hơn, để đáp ứng khả thi về mặt kỹ thuật.

Hình ảnh vệ tinh hiện có cũng không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về sự chuẩn bị và bảo đảm an ninh, vốn là tiêu chuẩn tại một cơ sở hạt nhân của Nga.

Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, với 4.477 đầu đạn hạt nhân đã triển khai và dự trữ, bao gồm khoảng 1.900 vũ khí hạt nhân chiến thuật, theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ. Tuy nhiên không rõ có bao nhiêu trong số đó có khả năng được Moskva triển khai tới Belarus.

Max Bergmann, giám đốc nghiên cứu về Nga và châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: "Ông Putin không cần vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus để sử dụng những vũ khí đó. Nhưng Mỹ lo ngại rằng vũ khí hạt nhân chiến thuật có khả năng được đặt cùng địa điểm với các tay súng Wagner ở Belarus".

Quyền chỉ huy và kiểm soát hạt nhân của Nga

Các quan chức Mỹ vẫn còn thắc mắc về cách Nga sẽ bảo vệ kho vũ khí tiềm năng của mình ở Belarus. Tuy nhiên, họ tin rằng nếu nói đến chỉ huy và kiểm soát, thì lợi ích của Nga sẽ là ngăn không cho cả các chiến binh Wagner và Minsk tiếp cận kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Tổng cục 12 thuộc Bộ Quốc phòng Nga đã kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Các chuyên gia cho rằng sẽ rất ngạc nhiên nếu một cơ quan khác được giao quyền kiểm soát bất kỳ đầu đạn hạt nhân chiến thuật nào ở Belarus. Một sĩ quan cấp cao của Tổng cục 12 đã đến Belarus vào mùa xuân.

Tuy nhiên, mối quan hệ thân thiết giữa Tổng thống Lukashenko với Tổng thống Putin và vai trò bất ngờ của ông trong việc dập tắt cuộc nổi loạn của Wagner, đã khiến các nhà phân tích tình báo cảnh giác về những gì có thể xảy ra tiếp theo, cũng là một chủ đề thảo luận chính giữa các đồng minh NATO trước hội nghị thượng đỉnh khối ở Vilnius, Litva. Một số quan chức Mỹ cũng lo ngại rằng ông Putin có thể đưa ra thông báo liên quan đến sự hiện diện của Nga tại Belarus khi đang diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO.

Nhưng ngay cả khi không có bất kỳ thông báo quan trọng nào từ Nga vào tuần tới, NATO cũng đã sẵn sàng về việc Wagner có khả năng mở rộng sang Belarus. Hiện tại Ba Lan đang yêu cầu Liên minh châu Âu tài trợ thêm để tăng cường an ninh biên giới trong bối cảnh lo ngại rằng Wagner sẽ tái thiết lập ở nước láng giềng Belarus. Thủ tướng Latvia nghi ngờ Wagner có thể cố gắng thâm nhập vào châu Âu từ một địa điểm mới ở Belarus.

Các vị nguyên thủ các quốc gia thành viên NATO đã viết một lá thư cho Tổng thư ký Stoltenberg và những người đứng đầu liên minh hôm 7/7, cảnh báo về mối đe dọa "do tình hình đang diễn biến ở Belarus."

Angela Stent, giám đốc nghiên cứu về Nga tại Đại học Georgetown, cho biết: “Việc người Nga chuyển thậm chí một phần kho vũ khí hạt nhân của mình tới Belarus là một điều gì đó mới mẻ, chúng tôi không biết ý định là gì, vì vậy người Ba Lan có quyền lo ngại”.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói chuyện với truyền thông nước ngoài tại Dinh Độc Lập ở thủ đô Minsk vào ngày 6/7/2023. Ảnh: AFP/Getty Images

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói chuyện với truyền thông nước ngoài tại Dinh Độc Lập ở thủ đô Minsk vào ngày 6/7/2023. Ảnh: AFP/Getty Images

Dấu hiệu của Wagner ở Belarus

Các quan chức Mỹ và châu Âu không thấy dấu hiệu cho thấy các thành viên Wagner đã rút về Belarus với số lượng lớn, và thậm chí có vẻ như thủ lĩnh Prigozhin cũng không ở đây. Tổng thống Lukashenko nói với CNN rằng ông Prigozhin hiện đang ở St. Petersburg, Nga, mặc dù đã đạt được thỏa thuận với Điện Kremlin gần hai tuần trước để rời sang Belarus.

Giới chức tình báo phương Tây cũng theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu cho thấy một khu đồn trú quân sự cách Minsk khoảng 90km về phía đông nam đang được hồi sinh, có thể là để lực lượng Wagner sử dụng. Chính phủ Belarus hôm 7/7 đã cho các phương tiện truyền thông nước ngoài, bao gồm cả CNN, tham quan nơi có thể được sử dụng cho các chiến binh Wagner đồn trú họ đến nước này.

Các quan chức cho biết việc dựng doanh trại dã chiến trên dường như có trước cuộc nổi loạn. Thiếu tướng Belarus Leonid Kasinsky nói với CNN hôm 7/7 rằng “hoàn toàn không có mối liên hệ nào [trước đó] giữa trại này và Wagner".

Ông nói thêm rằng “hôm qua, Tổng thống đã nói rằng nếu Yevgeny Prigozhin cùng với các chỉ huy của mình quyết định đến Belarus, thì trại này cùng với những nơi khác có thể được cung cấp cho họ".

Tuy nhiên, với việc ông Prigozhin hiện đã bị cắt phần lớn, hoặc tất cả, nguồn tài trợ từ Điện Kremlin, thì không rõ liệu ông có thể duy trì một đội ngũ Wagner lớn bên trong Belarus hay không, hoặc liệu Tổng thống Lukashenko có cho phép ông làm như vậy khi tính đến một nguy cơ binh biến tương tự.

Theo THU HẰNG (Báo Tin Tức)