Tịnh Biên phát huy hiệu quả sản phẩm OCOP

28/07/2022 - 05:51

 - Những năm qua, huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đã tập trung nguồn lực để triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng tận dụng, phát huy thế mạnh đặc thù. Đến nay, chương trình OCOP ở huyện miền núi này đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gắn với mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Huyện Tịnh Biên tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình OCOP

Triển khai chương trình

Trong mục tiêu phát huy thế mạnh du lịch và ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc trưng, đặc thù của địa phương, chương trình OCOP được xem là giải pháp phù hợp và cần thiết để phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị tại huyện Tịnh Biên.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên Trần Hiếu Thuận cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 01-NQ/ĐH của Huyện ủy Tịnh Biên về việc rà soát 100 sản phẩm đặc thù địa phương phục vụ du lịch, phấn đấu 50% đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao, đến năm 2025 có ít nhất 3 sản phẩm được đưa vào hệ thống phân phối quốc gia. Chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân thông qua việc xây dựng câu chuyện truyền thông về mục tiêu, ý nghĩa, nguyên tắc thực hiện chương trình OCOP. Từ đó, góp phần đưa chương trình đến với người dân và du khách, tăng sức hút cho những sản phẩm OCOP và tạo tiền đề phát triển cho các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương”.

Được sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn, ban chỉ đạo và hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP, huyện Tịnh Biên đã tổ chức thành công 3 đợt đánh giá, phân hạng cấp huyện với sự tham gia của 4 chủ thể, gồm 10 sản phẩm. Trong đó, có 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, gồm: Vang thốt nốt THNOT 12 độ, đường thốt nốt cô đặc MOUN7AINS, đường thốt nốt viên MOUN7AINS, đường thốt nốt MOUN7AINS dạng bột, nước màu nguyên chất THNOT của Công ty TNHH MTV phát triển đặc sản vùng miền Trần Gia. Đồng thời, có 5 sản phẩm đạt 3 sao, gồm: Rượu thốt nốt THNOT 29 độ Trần Gia, nước khoáng thiên nhiên SM, đường thốt nốt dạng hũ của Công ty TNHH Ngọc Trang, rượu cà na và cà na muối Hòa Kiều.

“Huyện Tịnh Biên còn có 62 mặt hàng với 176 sản phẩm đặc thù địa phương của 131 chủ thể, thuộc 6 ngành hàng được phân hạng theo Quyết định 1048/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP. Hiện nay, các chủ thể đang tích cực hoàn thiện thủ tục pháp lý, chủ động nâng cấp sản phẩm và đăng ký lộ trình tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Đây là lợi thế để công tác triển khai chương trình OCOP đạt hiệu quả cao. Đối với các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP, chúng tôi đẩy mạnh các hoạt động phát triển và thương mại hóa sản phẩm thông qua nhiều hình thức khác nhau và mang lại hiệu quả tích cực” - ông Trần Hiếu Thuận cho hay.

Kết quả khả quan

Sau quá trình triển khai, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của huyện Tịnh Biên đã được hỗ trợ nâng cấp chất lượng sản phẩm nhờ vào khung chính sách từ khoa học - công nghệ, xúc tiến - đầu tư, ngành nghề nông thôn. Ngành chuyên môn cấp huyện đã phối hợp, hỗ trợ các chủ thể liên hệ cửa hàng quảng bá sản phẩm OCOP để phân phối sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò mà chương trình mang lại.

“Thành công lớn nhất của chương trình OCOP tại huyện Tịnh Biên là các sản phẩm trước nay chủ yếu tiêu thụ tại địa phương, hiện đã thu hút nhiều người tiêu dùng hơn, thậm chí xuất hiện trong các hệ thống phân phối lớn, như: Bách Hóa Xanh, BigC... Các sản phẩm tiêu biểu của huyện, như: Đường thốt nốt bột, rượu thốt nốt, vang thốt nốt, nước màu thốt nốt... có mặt nhiều hơn ở các thị trường trong và ngoài nước” - ông Trần Hiếu Thuận cho biết thêm.

Từ sự quan tâm, hỗ trợ phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP của các cấp, ngành tại huyện Tịnh Biên đã góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đối với các chương trình, kế hoạch của địa phương. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy các chủ thể tiếp tục tham gia đánh giá các sản phẩm OCOP để ngày càng được thị trường đón nhận. Hiện nay, du khách đến tham quan, du lịch tại huyện Tịnh Biên thường hay mua sắm các sản phẩm OCOP đã tạo hiệu ứng tích cực trong quá trình triển khai thực hiện chương trình OCOP, giúp các chủ thể tăng sản lượng và doanh thu.

“Từ những kết quả đạt được, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ tiếp tục phát triển, nâng hạng cho các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của địa phương bằng cách lồng ghép các chính sách hỗ trợ đầu tư, đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm tiến tới đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng OCOP 5 sao cấp quốc gia. Đồng thời, hỗ trợ sản phẩm tiềm năng của địa phương tham gia chương trình OCOP, trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu của từng sản phẩm để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đặc biệt, sẽ tập trung hỗ trợ các chủ thể về ứng dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, các thủ tục đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, đổi mới bao bì, nhãn mác, hỗ trợ xây dựng mã vạch, mã QR và điều hành website...” - ông Trần Hiếu Thuận khẳng định.

THANH TIẾN