Tịnh Biên chủ động nguồn nhân lực, phương tiện để bảo vệ rừng mùa khô năm 2021
Theo đó, Ban Chỉ huy huyện xác định khu vực trọng điểm cháy rừng trên địa bàn Tịnh Biên (An Giang) có tổng diện tích khoảng 2.912ha. Trong đó, bao gồm khu vực núi Phú Cường (khoảng 275ha), cụm núi Đất (130ha), núi Nhọn (26ha), khu vực đồi Kakô (100ha) và khu vực từ Latina đến Tà Lọt (1.373ha) trên núi Cấm. Tại khu vực đồng bằng, sẽ bao gồm rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Nhơn Hưng với diện tích hơn 1.000ha cần được quan tâm, thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Để đảm bảo an toàn trong mùa khô năm nay, Ban Chỉ huy huyện Tịnh Biên yêu cầu các xã, thị trấn và chủ rừng xây dựng và thực hiện nghiêm túc lịch tuần tra, kiểm soát tại các khu vực nguy cơ cháy cao. Đồng thời, bố trí lực lượng tiến hành dọn cỏ, phát quang dây leo, cây bụi, đôn đốc các hộ nhận khoán rừng thực hiện các đường băng trắng và đường băng cản lửa tại các vùng trọng điểm cháy. Ngoài ra, việc đốt chủ động diện tích cỏ ven chân núi và khu vực giáp ranh đất sản xuất nông nghiệp cũng được thực hiện đầy đủ. Đặc biệt, cần thường xuyên kiểm tra, bổ sung nguồn nước cho các bồn trữ hiện có, nhất là tại khu vực trọng điểm cháy.
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc Chau Si Na thông tin: “Ngay từ đầu năm 2021, Ban Chỉ huy huyện đã kiện toàn nhân lực các xã, thị trấn và xây dựng lịch trực Ban Chỉ huy các cấp để huy động lực lượng khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, đã trang bị phương tiện chữa cháy cho các lực lượng, gồm: 5 máy chữa cháy đồng bằng, 10 máy chữa cháy đồi núi, 47 máy xịt đeo vai, 1 máy thổi gió và hơn 2.000 can nhựa loại 10 lít… để phục vụ công tác chữa cháy rừng. Ngoài ra, cũng đã thực hiện 48 đợt tuần tra, kiểm soát để bảo vệ rừng”.
Cần thường xuyên tuần tra, kiểm soát những khu vực trọng điểm cháy rừng trong mùa khô năm nay
Dù đã rất nỗ lực, nhưng địa bàn huyện Tịnh Biên vẫn xảy ra 2 vụ cháy rừng từ đầu năm tới nay tại núi Rô (xã An Cư) với diện tích 4.300m2 và khu vực đồi Tưk Ku thuộc địa bàn 2 xã An Cư, Tân Lợi với diện tích 2.800m2. Các vụ cháy không gây thiệt hại đến rừng, chủ yếu là cháy cây bụi, dây leo và thảm thực bì.
“Hiện nay, dự báo cấp cháy trên địa bàn huyện Tịnh Biên là cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm, nên chúng tôi đã tham mưu Ban Chỉ huy huyện yêu cầu các xã, thị trấn tích cực bố trí nguồn nhân lực đảm bảo việc trực chỉ huy tại các địa phương. Đồng thời, công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng phải được nâng lên mức độ cao nhất, bởi chỉ một mồi lửa nhỏ lúc này có thể gây ra hậu quả lớn. Việc ưu tiên hiện nay là vận động, tuyên truyền và cấm tuyệt đối người dân có đất canh tác nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp thực hiện việc đốt dọn cỏ, nhằm hạn chế cháy lan vào rừng. Với người đi rừng, tuyệt đối không sử dụng lửa trong sinh hoạt vì có thể gây ra đám cháy lớn nếu bất cẩn” - ông Chau Si Na phân tích.
Bên cạnh đó, ông Chau Si Na cũng khuyến cáo người dân, du khách tham gia hành hương tại các khu vực trên núi hạn chế sử dụng nhang đèn và tuyệt đối không đốt vàng mã, nhất là cần nêu cao ý thức PCCCR. Thực tế, việc chữa cháy rừng tại khu vực đồi núi rất khó khăn bởi nhiều yếu tố. Trong đó, việc thiếu nước chữa cháy là khó khăn hàng đầu. Bên cạnh đó, quá trình di chuyển, bố trí lực lượng tiếp cận đám cháy cũng mất nhiều thời gian, công sức.
“Dù trong quá trình tuần tra, chúng tôi đã xác định phương án, đường di chuyển nếu xảy ra cháy rừng, nhưng khi có tình huống sẽ phát sinh những khó khăn bất ngờ, đặc biệt là vào ban đêm. Không ít lần anh em tham gia chữa cháy rừng bị thương khi làm nhiệm vụ. Do đó, mọi người cần đề cao tinh thần phòng cháy là chủ yếu, bởi đây là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ rừng” - ông Chau Si Na cho hay.
Thời điểm này, mùa khô đang diễn ra rất khốc liệt nên nguy cơ cháy rừng còn ở mức cao. Do đó, người dân và các chủ rừng, lực lượng chuyên trách cần thực hiện nghiêm túc biện pháp PCCCR trong mùa khô năm nay. Dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Ban Chỉ huy huyện Tịnh Biên sẽ nỗ lực huy động nguồn nhân lực, vật lực để bảo vệ thành công diện tích rừng trên địa bàn trước “giặc lửa”, giữ gìn hiệu quả nguồn tài nguyên của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư khẳng định, giải pháp lâu dài cho công tác PCCCR là huy động mọi nguồn lực để xây dựng hệ thống các hồ trữ nước đa chức năng tại khu vực đồi núi. Đây sẽ là nguồn nước phục vụ các vườn cây trên núi kết hợp với chữa cháy rừng khi cần thiết. Hệ thống hồ trữ nước này sẽ giúp tăng mức thủy cấp của nước ngầm tại khu vực đồi núi, nên cũng phát huy tác dụng trong việc chống khô hạn. Bên cạnh đó, cần quan tâm trồng thêm tầng sinh thái cây bụi và dây leo nhằm tăng ẩm độ cho rừng để hạn chế nguy cơ cháy, chứ không chỉ trồng những cây lớn như trước đây.
THANH TIẾN