Tình hình dịch bệnh COVID-19 sáng 29-6 tại một số quốc gia

29/06/2020 - 08:42

Tính đến 6h30 giờ ngày 29-6 theo giờ Việt Nam, thế giới ghi nhận tổng cộng 10.229.368 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 503.985 ca tử vong.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 17-5-2020. (Ảnh: AFP-TTXVN)

Theo thống kê của trang mạng worldometers.info, tính đến 6h30 giờ ngày 29-6 theo giờ Việt Nam, thế giới ghi nhận tổng cộng 10.229.368 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 503.985 ca tử vong.

Tổng thống Nga: COVID-19 là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28-6 cho biết đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Nga là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ và nghiêm trọng nhất mà ông từng đối mặt trên cương vị tổng thống.

Phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya 1, ông Putin nói: “Có lẽ đây là một trong những (cuộc khủng hoảng) tồi tệ nhất. Và quả thực nó khá nặng nề". 

Tổng thống Putin lưu ý đến tình trạng hệ thống y tế của Nga thực sự căng thẳng và cho biết rất nhiều người ở Nga vẫn đang được điều trị và chưa khỏi bệnh. Ông hiểu cần phải có những đánh giá thực tế và cho rằng Nga có mọi cơ hội để "vượt qua giai đoạn khó khăn này với ít tổn thất nhất" khi hành động thích hợp và kịp thời.

Theo Tổng thống Nga, tình hình khó khăn cần tới vai trò lãnh đạo để vượt qua những thách thức mà đất nước phải đối mặt và không buông xuôi trong bất kỳ kịch bản nào. Bản thân ông cứ sau 3 hoặc 4 ngày lại làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và tất cả đều cho kết quả âm tính.

Đối với ông, việc phải làm việc từ xa trong đại dịch đã trở thành một thử thách do ông thích làm việc trực tiếp với các đồng nghiệp. Tuy nhiên, ông nhận thức được sự cần thiết phải điều chỉnh chế độ làm việc do tình hình dịch tễ học.

11 thành viên Quốc hội Ai Cập mắc COVID-19

Trang mạng Al-Ahram Online ngày 28-6 đưa tin, lại có thêm 2 thành viên Quốc hội Ai Cập có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số thành viên Quốc hội Ai Cập mắc COVID-19 lên 11 người.

Báo trên dẫn lời người phát ngôn Quốc hội Ai Cập Salah Hasaballah cho biết, 6 trong số các trường hợp mắc COVID-19 nêu trên đã được cách ly và điều trị tại bệnh viện. Họ hầu như đã hồi phục và 5 trong số này đã xuất viện, trong khi 3 thành viên khác đã lựa chọn cách ly tại nhà và tình trạng sức khỏe hiện ổn định.

Ông Hasaballah khẳng định việc có 11 thành viên quốc hội nhiễm bệnh sẽ không ngăn cản cơ quan lập pháp tối cao này tổ chức các phiên họp toàn thể, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 5-7. Vào tuần tới, Quốc hội Ai Cập sẽ thảo luận nhiều dự thảo luật mới về thuế, quyền sở hữu trí tuệ và những vấn đề kinh tế khác.

Cùng ngày, Bộ Y tế Ai Cập thông báo, nước này đã ghi nhận thêm 1.265 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở quốc gia Bắc Phi này lên 65.188 trường hợp. Ngoài ra, đã có thêm 81 bệnh nhân tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở Ai Cập lên 2.789 người.

Số ca mắc COVID-19 ở Ai Cập đang có chiều hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây, khi mỗi ngày trung bình đều ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới

Nam Phi tiếp tục cho phép một số lĩnh vực hoạt động trở lại

Bắt đầu từ ngày 29-6, Nam Phi cho phép một số lĩnh vực kinh tế - xã hội được hoạt động trở lại nhằm từng bước phục hồi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do các tiêu động tiêu cực từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bất chấp số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này liên tục tăng cao trong những tuần vừa qua khi số ca nhiễm gần lên tới 140.000 người, trong đó bao gồm hơn 2.000 ca tử vong.

Tinh hinh dich benh COVID-19 sang 29/6 tai mot so quoc gia hinh anh 2

Cảnh sát kiểm tra xe lưu thông trên đường phố tại thủ đô Pretoria, Nam Phi. (Ảnh: Trương Phi Hùng-TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Pretoria dẫn thông báo từ Phủ Tổng thống cho biết các lĩnh vực được mở cửa trở lại từ ngày 29-6 bao gồm dịch vụ nhà hàng, hội họp, chiếu bóng và casino.

Đây là bước hiện thức hóa tuyên bố hôm 18-6 của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa về lộ trình nới lỏng hạn chế trong các hoạt động kinh tế - xã hội mà nước này áp dụng trước đó nhằm giảm đà lây lan của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo quy định, trước khi mở cửa trở lại, từng lĩnh vực sẽ phải chứng minh được rằng đã chuẩn bị đầy đủ các biện pháp phòng dịch, từ cơ sở vật chất đến quy trình công tác, đồng thời phải tuân thủ đầy đủ các quy định này trong quá trình hoạt động. Chính phủ sẽ triển khai lực lượng chức năng để liên tục rà soát và kiểm tra quá trình thực hiện các quy định trên.

Bên cạnh đó, quy định cũng nêu rõ các nhà hàng sẽ không được bán đồ uống có cồn cho thực khách trong thời gian mở cửa, trong khi các dịch vụ chiếu bóng và casino phải đảm bảo số lượng khách hàng không được vượt quá 50 người trong cùng một thời điểm.

Theo tính toán, việc mở cửa trở lại các lĩnh vực trên sẽ giúp khoảng 500.000 người được đi làm trở lại sau hơn 90 ngày đóng cửa do áp lệnh phong tỏa kể từ cuối tháng 3.

Kể từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên hôm 5-3, đến hết ngày 17-6, Nam Phi ghi nhận 138.134 ca bệnh với 2.456 ca tử vong và 68.925 người đã khỏi bệnh. Trong thời gian trên, nước này đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho 1,5 triệu người và đo thân nhiệt cho hơn 20 triệu người.

Nội các Israel tìm cách ứng phó làn sóng lây nhiễm thứ 2

Ngày 28-6, Bộ trưởng Y tế Israel Yuli Edelstein cảnh báo nước này đang bước vào giai đoạn khởi đầu của làn sóng lây nhiễm thứ 2 của đại dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Tel Aviv, Bộ trưởng Edelstein đã đưa cảnh báo trên sau một cuộc họp do Thủ tướng Benjamin Netanyahu chủ trì về những biện pháp mới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan với số ca mắc mới tăng nhanh mỗi ngày sau khi Israel nới lỏng các biện pháp phong tỏa và hạn chế hồi tháng 5. Chỉ tính riêng ngày 26-6, Israel đã ghi nhận hơn 600 ca xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Cũng trong ngày 28-6, thông báo của Bộ Y tế Israel cho biết đã có thêm 218 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc ở nước này kể từ dịch bùng phát lên 23.639.

Theo Bộ trưởng Edelstein, ông đã trình chính phủ khuyến nghị giảm số người được phép tham gia lễ hội, đám cưới hay các sự kiện tôn giáo. Bên cạnh đó, các kỳ thi và tiết học cấp đại học cũng nên được tổ chức trực tuyến bất cứ lúc nào có thể. Việc học hè của học sinh cần chia theo nhóm. Theo đó, mỗi lớp học nên chia thành hai, mỗi nhóm học 1 tuần ở trường và 1 tuần ở nhà.

Tuy nhiên, kiến nghị của Bộ trưởng Edelstein đã bị Bộ trưởng Kinh tế Israel Katz phản đối, do cho rằng khi đó phụ huynh phải nghỉ ở nhà để trông con và không thể đi làm. Chính vì thế, Bộ trưởng Katz hối thúc chính phủ mở các khóa học hè cho học sinh như dự kiến vào ngày 1-7.

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Israel cho rằng ít nhất 30% công chức nên làm việc tại nhà, trong khi các doanh nghiệp tư nhân cũng nên cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Theo ông Edelstein, những đề xuất trên dù không làm vừa lòng nhiều người, nhưng lại rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan của dịch COVID-19 trên cả nước.

Ông cảnh báo nếu người dân không tuân thủ mọi hướng dẫn của Bộ Y tế, Israel sẽ một lần nữa phải đóng cửa mọi hoạt động kinh tế-xã hội.

Sau khi cuộc họp ngày 28-6, chính phủ Israel vẫn chưa đưa ra được quyết định cuối cùng, song Bộ trưởng Edelstein bày tỏ những kiến nghị của ông sẽ được chấp thuận tại cuộc họp vào ngày 29-6.

Algeria đóng cửa biên giới đến khi dịch được khống chế

Ngày 28-6, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune tuyên bố quốc gia Bắc Phi sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới trên bộ, trên không và trên biển cho đến khi đại dịch COVID-19 ở nước này hoàn toàn được kiểm soát.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Algiers, phát biểu trong cuộc họp nội các, Tổng thống Tebboune đã yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn đối với những công dân không nghiêm chỉnh chấp hành các quy định ngăn chặn dịch lây lan.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh nhà chức trách Algeria quan ngại về tình trạng số ca mắc COVID-19 mới liên tục tăng cao kỷ lục những ngày gần đây.

Riêng trong ngày 28-6, Bộ Y tế Algeria cho biết đã có thêm 305 ca mắc mới. Đây là số ca cao nhất được ghi nhận trong một ngày kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại quốc gia Bắc Phi hôm 25-2 đến nay.

Tình trạng dịch tái bùng phát tại Algeria trong bối cảnh nước này đang nới lỏng các biện pháp giới nghiêm giai đoạn 2 nhằm giảm bớt tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội của dịch.

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Djamel Fourar, người phát ngôn Ủy ban Giám sát khoa học về diễn biến dịch COVID-19 tại Algeria, nguyên nhân chính của số ca mắc tăng cao trở lại là do người dân không chấp hành tốt quy định y tế và giãn cách xã hội trong phòng chống dịch.

Tính đến 17h ngày 28-6 theo giờ địa phương, Algeria đã ghi nhận 13.273 ca mắc COVID-19, trong đó 897 trường hợp đã tử vong. Kể từ tháng 3, Algeria đã đóng cửa mọi cửa khẩu trên đất liền với các nước láng giềng, đồng thời ngừng khai thác bay thương mại trong nước và quốc tế.

Theo Vietnam+