Tình nghệ sĩ bên dòng sông Thoại

13/02/2018 - 01:02

 - Thoại Sơn - vùng đất hữu tình, nơi có dòng Thoại Hà thẳng tắp, nằm e ấp cạnh núi Ba Thê cùng cánh đồng bạt ngàn xanh ngút đã nuôi nấng tâm hồn người con bao thế hệ. Khi “đất đã hóa tâm hồn”thì chính là lúc nghệ sĩ không thể giữ được mạch cảm xúc dâng trào và cất lên thành lời ca, tiếng hát, mang tình yêu quê hương ngân dài qua năm tháng.

Nhạc sĩ Ngọc Duy: Người viết “anh hùng ca”

Ông tên thật là Dương Văn Bỉ (sinh năm 1955, quê thị trấn Núi Sập), hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật huyện Thoại Sơn. Ngày còn trẻ, ông đã viết nhiều ca khúc về chính trị, tình yêu quê hương, đất nước. Sau năm 1979, trở về từ Sài Gòn sau thời gian theo học với các nhạc sĩ trứ danh, ông hoạt động văn nghệ khá mạnh trong phong trào quần chúng. Năm 1980, ông đã viết ca khúc cho Đội văn nghệ Bình Hòa tham gia hội thi “Ca khúc chính trị tỉnh An Giang” đạt giải nhất. Từ năm 1982, ông liên tục đạt giải cao khu vực và toàn quốc với các ca khúc “Về vùng đất xa xưa”, “Dòng sông quê hương”, ca khúc nổi tiếng cả nước “Người mẹ Vọng Thê”, ca khúc “Màu áo anh” được nhiều đơn vị dàn dựng và biểu diễn.

“Gắn bó cả cuộc đời với Thoại Sơn đã hình thành trong tôi tình yêu quê hương đất nước từ những cảm xúc dung dị. Khi mạch tâm trạng được ấp ủ chín muồi, những ngôn từ sâu sắc tự nhiên trôi chảy, kết hợp với kỹ thuật hòa âm phối khí, nhạc lý vững vàng, tôi đã viết nên những thanh âm trầm bổng, giúp thêm vui cho cuộc đời”. Niềm say mê đó tiếp tục được nhạc sĩ Ngọc Duy gửi gắm qua các sáng tác trữ tình: “Chiều nay về phố cũ”, ‘Khát vọng biển xa”, “Qua hết một ngày”…

Quang Chính: “Nghệ sĩ” hoài cổ

Anh tên thật là Huỳnh Văn Lên (sinh năm 1964, hiện ngụ thị trấn Óc Eo). Anh nổi lên từ phong trào văn nghệ của huyện, viết trên 30 bài ca cổ phục vụ trong các dịp lễ lớn ở địa phương. Trong đó, nổi bật là những tình cảm tự hào, tìm về những giá trị văn hóa của Vương quốc Phù Nam xưa như: “Nét đẹp Óc Eo”, “Óc Eo sáng mãi gương hùng”, “Lưu dành thời mở cõi”, “Người con đất Thoại”, “Về lại Thoại Sơn”… đã góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương, niềm tự hào về vùng đất huyền thoại cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, anh còn sáng tác trên 40 bài ca cổ, có những bài viết là tâm tư, sự trăn trở về những mảnh đời bất hạnh, học trò nghèo hiếu học, khơi dậy sự tương trợ, sẻ chia của cộng đồng xã hội.

Với niềm đam mê sáng tác, anh đã đạt giải nhì cuộc thi sáng tác tại TP. Hồ Chí Minh năm 2012, với tác phẩm “Về thăm quê hương Bác Tôn” và nhận nhiều giấy khen từ UBND Thoại Sơn. “Còn niềm vui nào bằng khi thấy đứa con tinh thần của mình được công chúng đón nhận nhiệt tình và sử dụng thường xuyên trong các hội diễn và phong trào văn hóa - văn nghệ tại địa phương. Đó chính là động lực để tôi sáng tác, phục vụ nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng” - anh Quang Chính bộc bạch.

Viết Lãm: “Nghệ sĩ” của lòng dân

Từng là thầy giáo gắn bó với trường làng xã Vĩnh Chánh (Thoại Sơn), do hoàn cảnh gia đình, nhưng anh Nguyễn Văn Lãm (sinh năm 1965) đã gác lại bảng đen, phấn trắng, cầm cuốc cày để mong phát triển kinh tế gia đình. Đến năm 1998, được chính quyền vận động, anh ra ứng cử trưởng ấp. Qua gần 20 năm vừa cống hiến, vừa học tập nâng cao trình độ, đến nay anh đảm nhận chức vụ Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khánh. Tuy làm việc Nhà nước nhưng hễ rảnh rỗi, tranh thủ giờ giải lao các cuộc họp, anh lại viết thơ và sáng tác ca cổ. Bài ca cổ đầu tay “Phú Thuận tôi yêu” được nhiều người mến mộ đã tiếp thêm động lực để anh sáng tác bài “Vĩnh Khánh tôi yêu”, “Cuộc đời thầm lặng” đạt giải khuyến khích cuộc thi sáng tác tác phẩm nghệ thuật về học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt, anh còn đầu tư xuất bản tập ca cổ “Niềm vui trên nông thôn mới” gồm 39 bài về quê hương, đất nước, con người,...

“Có lẽ là người gần dân, sát dân, đồng hành cùng Nhân dân trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội nên tôi dễ có những chất liệu, cảm xúc để nói lên tiếng lòng của mình và mọi người về sự đổi thay từng ngày trên quê hương xứ sở” - anh Lãm chia sẻ. Dù không qua trường lớp bài bản nhưng với niềm đam mê, học hỏi và sáng tác, Viết Lãm đã cho ra đời hơn 100 bài ca cổ. Anh còn ấp ủ sáng tác các tuồng cải lương về đề tài xã hội, góp phần khôi phục nghệ thuật cải lương và định hướng sở thích thưởng thức đời sống tinh thần cho giới trẻ.

TRÚC PHA