Tỉnh táo và không chia sẻ tin giả trên mạng xã hội. Ảnh: Internet
Trong khi cả nước đang ra sức đẩy lùi dịch bệnh thì trên không gian mạng đang lây lan virus độc hại mang tên “virus tin giả”. Tại An Giang, đăng thông tin cung cấp dịch vụ tiêm vaccine phòng COVID-19 có thu phí, một bệnh viện đã bị xử phạt hành chính 50 triệu đồng. Công an TP. Châu Đốc vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7,5 triệu đồng đối với một người phụ nữ trú tại phường Vĩnh Mỹ về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật” về tình hình dịch bệnh COVID-19.
Trước đó, chiều ngày 13-7, tài khoản mạng xã hội Facebook của người này đăng thông tin, hình ảnh với nội dung “Test nhanh 2 lần âm tính, xét nghiệm PCR là dương tính. Mọi người cẩn thận nha” và kèm theo hình ảnh bản soạn thảo báo cáo nhanh 1 trường hợp test nhanh COVID-19 có kết quả dương tính. Sau khi được ngành chức năng mời làm việc, người này đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình.
Ngày 23-7, Công an huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) đã làm việc và xử lý vi phạm hành chính đối với Nguyễn Thanh Tú (sinh năm 1998, ngụ ấp Long Hạ, xã Kiến An) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức.
Trước đó, ngày 18-7-2021, Nguyễn Thanh Tú bị lực lượng tuần tra Công an huyện Chợ Mới lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại địa phương, nên bức xúc đăng tải bài viết trên tài khoản mạng xã hội Facebook “Nguyễn Tú” với nội dung xuyên tạc, dùng những từ ngữ xúc phạm đến uy tín lực lượng công an.
Những thông tin đăng tải trên đã thu hút nhiều người xem và tham gia bình luận. Lực lượng Công an huyện Chợ Mới mời Tú đến cơ quan làm việc. Tú đã thừa nhận hành vi sai phạm, tự giác gỡ bỏ thông tin đã đăng tải, đồng thời cam kết không tái phạm. Công an huyện Chợ Mới thừa ủy quyền Công an tỉnh quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Thanh Tú với số tiền 7,5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nhiều tin giả núp bóng “bài thuốc chữa COVID-19” nhằm tăng lượt xem, trục lợi trên sự lo lắng của cộng đồng để đầu cơ, tăng giá các mặt hàng: máy thở, test nhanh, máy tạo ô-xy… Hệ lụy là người dân lơ là với những khuyến cáo của ngành y tế, đổ xô mua hàng với giá cao gấp 10 lần so với ngày thường và đối mặt với rủi ro mua hàng giả.
Nguy hiểm hơn, các thế lực xấu, thù địch triệt để khai thác tình hình dịch bệnh để xuyên tạc, chống phá. Trong lúc cả nước chung tay với TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam chống dịch, trên mạng xã hội lại xuất hiện các dòng trạng thái, bình luận kích động, phân biệt vùng, miền, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt tổ chức phản động Việt Tân còn lên mạng rêu rao: “Việt Nam… cơn ác mộng chỉ mới bắt đầu”, “Cách chống dịch của Việt Nam làm dịch bệnh lây lan ngày càng nhiều…”.
Tính đến 15 giờ, ngày 4-8-2021, Việt Nam có 174.461 ca nhiễm COVID-19, đang điều trị 121.555 ca, điều trị khỏi 50.831 ca. Trong khi đó, theo một số chuyên gia, số ca mắc bệnh COVID-19 thời gian qua ở trong nước là rất nhỏ so với tổng số gần 100 triệu dân (tỷ lệ mắc 0,174% so tổng dân số cả nước).
Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), những thông tin xấu độc không chỉ nhằm xúc phạm đến tổ chức, cá nhân, cấp ủy Đảng và chính quyền, mà sâu xa hơn là tác động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động nhằm gây bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những tháng đầu năm 2021, Tổng đài 18008108 đã tiếp nhận 2.400 cuộc gọi của người dân phản ánh về tin giả. Hành vi tung tin giả có thể bị xử phạt hình sự từ 3 tháng đến 7 năm tù.
Để hạn chế tin giả, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành công văn yêu cầu 63 tỉnh, thành phố tăng cường xử lý tin giả, các video clip có thông tin bịa đặt công tác chống dịch. Đồng thời, thường xuyên cung cấp, cập nhật các thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đây là một trong những biện pháp đồng bộ để mạnh tay xử lý những thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Theo đó, sẽ phạt từ 7,5 - 12,5 triệu đồng đối với những cá nhân đăng thông tin sai sự thật về COVID-19.
Trước những tin giả, xấu độc lan tràn trên mạng xã hội, mỗi người dân cần tuân thủ bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, hãy là người chia sẻ có trách nhiệm. Bởi tiếp tay cho tin giả sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, sức khỏe của cộng đồng, trong đó có bản thân, gia đình của mỗi chúng ta.
Với “virus tin giả”, người dân cần “5K” để phòng tránh, gồm: không tin ngay, không vội bấm nút “thích”, không thêm thắt, không kích động, không vội chia sẻ. |
MINH THƯ