Trình diễn đờn ca tài tử tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Mục đích của Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử; Không gian Đờn ca tài tử được tổ chức nhằm tôn vinh và quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hội thi cũng nhằm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, thưởng thức văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Tăng cường sự liên kết vùng trong việc hợp tác, xúc tiến thương mại du lịch, xúc tiến đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông, Tây Nam Bộ nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.
Theo quyết định, Bộ giao Cục Văn hóa cơ sở chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử; Không gian Đờn ca tài tử năm 2022.
Nội dung thi Chương trình Đờn ca tài tử gồm 5 tiết mục: phần đờn, phần ca, bài bản, bài ca và bản Vọng cổ.
Về dàn nhạc: Mỗi đoàn dự Hội thi phải có ít nhất 4 loại nhạc cụ trong dàn nhạc (chọn trong các nhạc cụ: đờn kìm, đờn cò, đờn tranh, đờn bầu, đờn gáo, đờn tam, đờn tỳ bà, đờn đoản, tiêu, sáo, ghi ta, hạ uy đi). Không được sử dụng ghita điện tử; Về thời lượng: Mỗi chương trình không quá 40 phút/đoàn. Số người tham gia dự thi không quá 20 người (kể cả người dẫn chương trình). Khuyến khích mỗi đoàn có ít nhất 1 tài tử ca hoặc 1 tài tử đờn dưới 18 tuổi để thể hiện tính kế thừa. Các bài ca phải là bài bản tài tử, không chọn bài ca trong trích đoạn sân khấu cải lương. Bài ca ra bộ thì lời ca phải thể hiện tính hành động. Mỗi tài tử ca không được ca 2 tiết mục trong chương trình.
Theo HÀ CHI (Nhân Dân)