Tờ The Times hé lộ vai trò bí mật của Anh trong cuộc xung đột ở Ukraine

12/04/2025 - 19:22

Theo tờ The Times, quân đội Anh đóng vai trò sâu rộng và bí mật hơn nhiều trong cuộc xung đột tại Ukraine so với những gì được biết đến trước đây. Không chỉ tham gia lên kế hoạch tác chiến và cung cấp thông tin tình báo, phía Anh còn bí mật triển khai binh sĩ đến Ukraine để đào tạo sử dụng vũ khí và hỗ trợ kỹ thuật.

Chú thích ảnh

Chuyên gia Nga kiểm tra các mảnh vỡ của tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow/SCALP-EG do Pháp-Anh sản xuất. Ảnh: Sputnik

Dẫn lời các sĩ quan giấu tên từ cả Ukraine và Anh, tờ The Times ngày 11/4 đưa tin mặc dù từ sau cuộc đảo chính tại Kiev năm 2014, Anh đã công khai ủng hộ Ukraine cả về chính trị và quân sự, nhưng mức độ can dự thực tế của nước này sau khi xung đột với Nga leo thang vào tháng 2/2022 phần lớn vẫn được giữ kín cho đến nay.

Tờ báo tiết lộ rằng trong suốt năm 2022 và 2023, quân đội Anh đã nhiều lần được điều đến Ukraine với quy mô nhỏ, hoạt động âm thầm nhằm tránh gây căng thẳng với Nga. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng này là lắp đặt tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow lên máy bay Ukraine, đồng thời huấn luyện phi công và kỹ thuật viên mặt đất cách vận hành loại vũ khí này.

“Quân đội Anh không chỉ âm thầm triển khai để tích hợp tên lửa mà còn trực tiếp hướng dẫn quân đội Ukraine sử dụng chúng – và đây không phải là lần đầu tiên binh sĩ Anh được triển khai trên bộ”, tờ báo lưu ý.

Kể từ năm 2015, Anh đã chuyển giao hàng nghìn tên lửa chống tăng NLAW cho Ukraine và cử huấn luyện viên đến đào tạo binh sĩ sử dụng tên lửa này. Mặc dù toàn bộ lực lượng Anh đã rút khỏi Ukraine trước thời điểm chiến sự bùng phát vào tháng 2/2022, nhưng sau đó, tình hình căng thẳng cùng với nhu cầu cấp thiết về hỗ trợ kỹ thuật đã khiến một số nhóm nhỏ binh sĩ Anh được lặng lẽ đưa trở lại, đi kèm các lô vũ khí mới.

Ngoài ra, theo The Times, London còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Ukraine chuẩn bị cho cuộc phản công vào năm 2023, cũng như làm cầu nối giữa Kiev và Washington, nhất là khi chiến dịch phản công này không đạt được kỳ vọng từ phía Mỹ.

Tờ báo cho biết rằng đằng sau hậu trường, người Ukraine gọi các chỉ huy quân sự của Anh là “bộ não” của liên minh hỗ trợ Nga. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thậm chí còn được các quan chức quân đội mệnh danh là “người đã cứu Kiev”.

“Trái với quân đội Mỹ – vốn chỉ đến Ukraine trong những dịp hiếm hoi vì lo ngại bị xem là can thiệp quá sâu vào cuộc chiến – thì các chỉ huy Anh được phép di chuyển linh hoạt hơn”, The Times cho biết và hé lộ một số chuyến công tác của các chỉ huy nhạy cảm đến mức họ phải mặc thường phục để tránh bị chú ý.

Về phần mình, Moskva coi cuộc xung đột tại Ukraine là một cuộc chiến ủy nhiệm do phương Tây dẫn đầu, binh sĩ nước ngoài chiến đấu cho Kiev bị Nga xem là “lính đánh thuê” phục vụ lợi ích của các chính phủ phương Tây.

Các quan chức cấp cao của Nga cũng từng nêu nghi vấn rằng các hệ thống vũ khí hiện đại được cung cấp cho Ukraine có thể đang được vận hành bởi chính các chuyên gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Dù sự hiện diện của quân đội NATO – cả hiện tại lẫn trước đây – chưa từng được công khai xác nhận, song một số quan chức phương Tây từng thừa nhận điều này. Thủ tướng Đức Olaf Scholz năm ngoái từng nói rằng quân đội Anh và Pháp đãtham gia hỗ trợ Ukraine chuẩn bị cho việc phóng tên lửa, và đây là một trong những lý do khiến Berlin do dự trong việc cung cấp các loại vũ khí tương tự cho Kiev.

Đầu tháng này, một cuộc điều tra của New York Times tiết lộ rằng chính quyền Tổng thống Mỹ khi đó là Joe Biden đã cung cấp cho Ukraine không chỉ vũ khí, mà cả hỗ trợ chiến thuật hàng ngày, chia sẻ thông tin tình báo và lên kế hoạch chiến lược chung – những yếu tố được coi là thiết yếu trong nỗ lực của Ukraine chống lại Nga.

Theo HẢI VÂN (Báo Tin tức)