Toàn thế giới đã ghi nhận trên 270,5 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2

14/12/2021 - 07:42

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến gần 22h ngày 13-12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 270.597.750 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 5.325.060 người không thể qua khỏ. Số bệnh nhân bình phục đã lên tới hơn 243,35 triệu người.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Cambridge, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Âu đang là điểm nóng của dịch COVID-19 với hơn 50% số ca mắc COVID-19 toàn cầu tập trung tại châu lục này. Cùng với đó, sự lây lan của biến thể Omicron virus SARS-CoV-2 đang trở thành thách thức lớn đối với khu vực này, đặc biệt tại Anh. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 13/12 đã xác nhận ca tử vong đầu tiên liên quan đến biến thể Omicron tại nước này. Ông cũng thừa nhận thực tế biến thể Omicron đang làm gia tăng số bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại Anh. 

Trong bối cảnh đó, ông kêu gọi tất cả người trưởng thành đi tiêm mũi tăng cường để bảo vệ bản thân. Anh đặt mục tiêu hoàn thành tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ người trưởng thành ở nước này trong tháng 12 này.

Anh cũng đã nâng cảnh báo COVID-19 hiện tại từ mức 3 lên mức 4 do số ca nhiễm biến thể Omicron tại nước này đang “tăng nhanh chóng”.

Theo các quan chức phụ trách y tế của 4 vùng, gồm England, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland, quyết định nâng mức độ đánh giá nguy cơ y tế công cộng gồm 5 cấp được đưa ra trên cơ sở khuyến cáo của Cơ quan an ninh y tế Vương quốc Anh, trong bối cảnh Anh vừa ghi nhận thêm 1.239 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên con số 3.137, tăng 65% so với một ngày trước đó. Mức độ 4 đồng nghĩa với việc “tình trạng lây lan cao và áp lực lớn, ngày càng gia tăng đối với hệ thống chăm sóc y tế”.

Trong khi đó, ông Martin Hirsch, người đứng đầu Tập đoàn bệnh viện AP-HP của Pháp, cảnh báo quốc gia châu Âu này sẽ chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ 6 dịch COVID-19 vào tháng tới do biến thể Omicron, được cho là có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn trong khi biến thể Delta vẫn đang hoành hành và gây ra làn sóng dịch bệnh thứ 5 tại nước này.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Oslo, Na Uy. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng tại châu Âu, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere thông báo nước này sẽ siết chặt hơn nữa biện pháp phòng dịch trong tuần này để kiềm chế dịch bênh lây lan.

Thủ tướng Na Uy bày tỏ quan ngại tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nước này diễn biến nghiêm trọng với số ca nhiễm mới và số ca phải nhập viện tại nước này tăng cao chưa từng thấy, một phần do sự lây lan của biến thể Omicron. Viện y tế công của Na Uy (FHI) đã khuyến cáo chính phủ nước này cần hành động nhanh chóng để tránh hậu họa nghiêm trọng. 

Tại châu Á, Trung Quốc đã ghi nhận ca mắc Omicron đầu tiên. Ca bệnh được phát hiện tại thành phố Thiên Tân là một du khách nước ngoài, tới thành phố cảng Thiên Tân hôm 9/12. Bệnh nhân hiện đang được cách ly, điều trị tại bệnh viện.

Các ca mắc mới COVID-19 ở Trung Quốc thời gian qua đều là ca nhập cảnh qua các thành phố cảng. Trước tình hình này, Chính phủ Trung Quốc đã đề nghị các thành phố cảng tăng cường công tác phòng chống dịch. Theo đó, các thành phố này được yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19, tăng cường hệ thống giám sát và cảnh báo, đồng thời thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới. Ngoài ra, các thành phố cũng phải siết chặt các biện pháp phòng chống dịch tại những cơ sở lao động có nguy cơ cao, siết chặt quản lý hoạt động ra vào thành phố của người dân và đảm bảo quy trình nhập khẩu thực phẩm đông lạnh được thực hiện an toàn. 

Chỉ thị trên được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan tại Trung Quốc. Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc cho biết Trung Quốc ghi nhận 101 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 12/12, trong đó 80 ca lây nhiễm trong cộng đồng và không có ca tử vong nào.

Nhân viên y tế đưa bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Hàn Quốc đã bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho quân nhân nước này trong bối cảnh gia tăng nhiều quan ngại về nguy cơ lây lan biến thể Omicron.  

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, trong khuôn khổ chương trình trên, quân đội nước này đặt mục tiêu tiêm phòng cho khoảng 400.000 quân nhân và nhân viên dân sự từ nay đến ngày 14/1/2022.

Động thái trên diễn ra sớm hơn kế hoạch ban đầu khoảng hai tuần trong bối cảnh ngày càng có nhiều báo cáo về "các ca lây nhiễm đột phá" trong quân đội, nghĩa là các trường hợp vẫn mắc COVID-19 dù đã tiêm vaccine đầy đủ. Vào tuần này, sẽ có 41 trung tâm tiêm chủng thực hiện tiêm các mũi tăng cường trong khuôn khổ chương trình trên. Kế đến, vào tuần tới, sẽ có tổng cộng 91 trung tâm tiêm chủng tham gia chiến dịch này.

Tại Thái Lan, một quan chức y tế cho biết nước này sẽ rút ngắn thời gian tiêm giữa mũi thứ hai vaccine ngừa COVID-19 với mũi tăng cường từ 6 tháng xuống còn 3 tháng nhằm tăng khả năng miễn dịch, đề phòng nguy cơ lây nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng. Hiện Thái Lan chỉ mới ghi nhận 8 ca nhiễm biến thể Omicron là các trường hợp nhập cảnh và chưa ghi nhận ca bệnh nào trong cộng đồng nhiễm biến thể mới này.

Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Người phát ngôn Lực lượng đặc trách phòng chống COVID-19 của Chính phủ Thái Lan, ông Taweesin Wisanuyothin, nêu rõ do biến thể Omicron đang lan rộng, nên mũi tăng cường (thứ ba) sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng nghiêm trọng cũng như giảm nguy cơ tử vong. 

Ông Taweesin cho biết thêm những người đã tiêm mũi thứ hai vào tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay có đủ điều kiện để tiêm mũi tăng cường tại bất kỳ trung tâm tiêm chủng nào trên toàn lãnh thổ Thái Lan.

Hiện có hơn 43 triệu người, tương đương 60% dân số Thái Lan đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, trong đó 4,1 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường.

Cho đến nay, biến thế Omicron đã được ghi nhận tại hơn 60 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, do đó biến thể này đặt ra nguy cơ rất cao trên phạm vi toàn cầu khi có một số bằng chứng cho thấy biến thể này có khả năng "lẩn tránh" hàng rào kháng thể vaccine tạo ra trong khi giới chuyên gia chưa có nhiều dữ liệu lâm sàng về độc lực của nó.

Các chuyên gia y tế của WHO đã đưa ra cảnh báo trên, qua đó cảnh báo tái khẳng định nguy cơ liên quan đến biến thể Omicron vẫn rất cao. 

Theo WHO, mặc dù các nghiên cứu tại Nam Phi cho thấy biến thể Omicron có thể ít độc lực hơn biến thể Delta - hiện là biến thể thống trị toàn cầu - và tất cả các bệnh nhân nhiễm biến thể này ở châu Âu đều là thể nhẹ hoặc không triệu chứng, nhưng độc lực của Omicron vẫn là vấn đề đòi hỏi thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng.

WHO nhấn mạnh ngay cả nếu độc lực của biến thể Omicron thấp hơn độc lực của biến thể Delta, dự kiến số người nhập viện sẽ tăng do số ca nhiễm bệnh tăng có thể khiến hệ thống y tế quá tải, dẫn tới nhiều ca tử vong hơn. Dự kiến trong những tuần tới, WHO sẽ công bố các báo cáo mới về biến thể này.

Theo LAN PHƯƠNG (TTXVN)