Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32

19/12/2023 - 14:00

Sáng 19/12, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng” đã khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội Chính Trung ương Phan Đình Trạc; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên (dự trực tuyến tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh); Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Cùng dự hội nghị còn có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể Trung ương.

Tham dự Hội nghị có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cán bộ chủ chốt các đơn vị của Bộ Ngoại giao và trực tuyến tới các địa phương.

Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, chủ đề và nội dung của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 gồm những vấn đề rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành Ngoại giao từ nay đến hết nhiệm kỳ khóa XIII. Kết quả của Hội nghị không chỉ định hướng cho công tác của ngành Ngoại giao trong 2-3 năm tới, mà còn là một bước chuẩn bị cho tổng kết 40 năm triển khai đường lối đối ngoại của thời kỳ đổi mới và xây dựng nội dung đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIV.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ: Hội nghị Ngoại giao lần này sẽ tập trung thảo luận những vấn đề về đánh giá và dự báo tình hình quốc tế; nhìn lại, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu về đối ngoại và ngoại giao đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, rút ra các bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, Hội nghị sẽ thảo luận, đề ra nhiệm vụ trọng tâm, biện pháp đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương, ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân... Hội nghị cũng dành thời gian thảo luận sâu rộng các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát triển nền ngoại giao vững mạnh toàn diện, hiện đại.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, thành phố Hà Nội đã phát biểu tham luận, đóng góp những đánh giá, nhận định quan trọng về tình hình thế giới, khu vực. Các tham luận nêu bật những thành tựu mà ngành ngoại giao đạt được thời gian qua, nêu phương hướng, biện pháp thúc đẩy công tác đối ngoại trên tất cả các trụ cột, cũng như tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại trong thời gian tới.

Kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Ảnh: Trí Dũng/ TTXVN

Trong gần 3 năm qua, đặc biệt là từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức theo tinh thần vừa nêu trên đây, ngành Ngoại giao và Đối ngoại cả nước đã nỗ lực phấn đấu, nghiêm túc quán triệt và chung sức, đồng lòng tổ chức thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương, những đóng góp to lớn, rất có ý nghĩa của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nói chung và của ngành Ngoại giao nói riêng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hội nghị kiểm điểm thật kỹ, rút kinh nghiệm từ những kết quả, thành tựu đã đạt được để tiếp tục phát huy, làm tốt hơn. Đồng thời, cũng cần đánh giá kỹ lưỡng những hạn chế, yếu kém trong công tác đối ngoại thời gian qua để chủ động khắc phục.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Chính vì thế, cần thường xuyên theo dõi sát các diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình bên ngoài và nhất là đánh giá thật đúng các tác động đến Việt Nam để không bị động, bất ngờ và luôn luôn bình tĩnh, tỉnh táo nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại từ nay đến hết nhiệm kỳ, như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Tổng Bí thư chỉ rõ, cần phải tiếp tục bám sát Nghị quyết và đường lối đối ngoại của Đại hội XIII và các nghị quyết của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ Ngoại giao; tăng cường công tác nắm bắt tình hình, phân tích, dự báo, kịp thời tham mưu điều chỉnh, bổ sung những xu hướng mới và những vấn đề mới phát sinh để cụ thể hóa, xây dựng và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chương trình, kế hoạch cụ thể của từng cơ quan, đơn vị một cách đồng bộ, khoa học, bài bản, thống nhất, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị theo đúng tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt"!

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở, luôn luôn phải quan tâm kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, song xu thế lớn và nguyện vọng thiết tha của các dân tộc vẫn luôn luôn là giữ vững hòa bình, mở rộng hợp tác vì sự phát triển. Xác định đúng đắn và rõ ràng vị trí, vai trò của mình trong hợp tác và phân công lao động quốc tế, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực và toàn cầu. Đường lối, chính sách và mục tiêu trước sau như một luôn luôn phù hợp với xu thế lớn của thời đại. Lợi ích quốc gia - dân tộc lúc này vẫn là bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển. Điều đó hoàn toàn phù hợp với lợi ích của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đó là những thuận lợi rất cơ bản để có thể kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược

Tổng Bí thư nhấn mạnh, luôn luôn phải kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược. Nguyên tắc là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sách lược là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tuỳ theo từng vấn đề, từng thời điểm và tùy theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ: "Dĩ bất biến ứng vạn biến", "thêm bạn bớt thù", "sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai". Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, luôn luôn phải quan tâm xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân như lời căn dặn của Bác Hồ: "Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng". Đường lối đối ngoại đúng đắn, giương cao ngọn cờ chính nghĩa và sự triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách cụ thể đã góp phần tạo nên sự đồng thuận cao của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đoàn kết của toàn dân tộc và sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế. Thể chế, chính sách quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng cần tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp hơn. Cơ chế phối hợp giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân với các hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực, như: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường...; giữa Trung ương và địa phương... cần tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện, ngày càng đồng bộ và phù hợp hơn, góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp, phát huy sự năng động, sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả cao của hoạt động đối ngoại, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện mục tiêu bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa", giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, tạo những thời cơ và điều kiện thuận lợi nhất để phát triển đất nước.

Mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam"

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải quan tâm, làm tốt hơn nữa việc kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại toàn diện cả về bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức và trí tuệ, hiện đại về phương pháp, lề lối làm việc; chuyên nghiệp về tác phong, ứng xử; tinh thông về nghiệp vụ, ngoại ngữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"; "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ III (tháng 1/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn cán bộ ngoại giao: "Cán bộ ngoại giao cần phải học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng; cần phải biết giữ bí mật; cần phải tiết kiệm đúng cách; cần phải chú ý đoàn kết nội bộ; cần cố gắng nắm bắt tình hình nước sở tại và tình hình quốc tế nhanh và chính xác". Những lời dạy còn nguyên giá trị đó của Bác chính là định hướng xuyên suốt để các cán bộ làm công tác đối ngoại và ngoại giao phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện.

Với những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là trong năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng các thế hệ cán bộ đối ngoại, ngoại giao cả nước nhất định tiếp tục thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức và cốt cách của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh và kế tiếp được truyền thống đối ngoại quật cường nhưng hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam"; và xứng đáng hơn nữa với vai trò tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung trí tuệ, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, phân tích làm rõ những vấn đề còn tồn tại và nguyên nhân chủ quan, khách quan, đề ra phương hướng, biện pháp khắc phục, quyết tâm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng và Nhà nước giao phó. Toàn ngành Ngoại giao nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, sớm cụ thể hóa các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư thành các chương trình, đề án, kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngoại giao cách mạng Việt Nam và bản sắc của ngoại giao "Cây tre Việt Nam"; quyết tâm, nỗ lực cao nhất để xây dựng một nền ngoại giao Việt Nam vững mạnh, toàn diện, hiện đại, cùng với các ngành, các cấp thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 tiếp tục làm việc đến ngày 23/12/2023.

Theo TTXVN