Tổng thống Ai Cập lần thứ 4 gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp

14/04/2018 - 19:44

Ngày 14-4, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã gia hạn thêm ba tháng lệnh tình trạng khẩn cấp tại nước. Đây là lần thứ tư lệnh trên được gia hạn kể từ khi được ban bố hồi năm ngoái.

Cảnh sát Ai Cập gác tại thủ đô Cairo sau một vụ tấn công năm 2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Lệnh tình trạng khẩn cấp được chính quyền Ai Cập áp đặt lần đầu tiên là tháng 4-2017 sau hai vụ đánh bom nhà thờ cướp đi sinh mạng của ít nhất 45 người. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tuyên bố thực hiện các vụ tấn công này. Lệnh trên lần lượt được gia hạn vào tháng Bảy, tháng 10-2017 và tháng 1-2018. 

Tuyên bố chính thức chính phủ cho biết việc gia hạn tình trạng khẩn cấp cho phép các lực lượng an ninh tiến hành những biện pháp cần thiết để ngăn chặn mối đe dọa về khủng bố, hoạt động tài trợ khủng bố nhằm bảo an ninh tại tất cả các khu vực trên toàn quốc. Sắc lệnh có hiệu lực từ 1 giờ ngày 14-4 (tức 6 giờ cùng ngày - giờ Việt Nam) này trao cho cảnh sát quyền bắt giữ, giám sát, thu giữ cũng có thể hạn chế việc di chuyển của các đối tượng tình nghi. 

Ngoài ra, Ai Cập cũng gia hạn lệnh giới nghiêm ở nhiều khu vực miền Bắc Sinai, bao gồm những khu vực ở thị trấn Rafah gần biên giới với Dải Gaza của người Palestine. Lệnh giới nghiêm một phần này ở miền Bắc Sinai này sẽ được duy trì song song với lệnh tình trạng khẩn cấp. 

Cùng ngày, quân đội Ai Cập cho biết ít nhất tám binh sỹ của nước này đã thiệt mạng và 15 người khác bị thương trong một vụ tấn công vào doanh trại quân đội ở miền Trung Sinai. 

Thông cáo của quân đội cho biết một nhóm 14 tay súng trong đó bốn đối tượng đeo đai thuốc nổ đã tìm cách đột nhập vào một doanh trại quân đội ở miền Trung Sinai trong đêm. Sau khi đụng độ, lực lượng an ninh đã tiêu diệt toàn bộ tay súng. 

An ninh đang là thách thức nghiêm trọng nhất tại Ai Cập. Ngoài IS thường xuyên nhận gây ra các vụ tấn công đẫm máu với đe dọa "trả đũa các hoạt động trấn áp của chính quyền," Ai Cập cũng đứng trước mối đe dọa khủng bố từ một số tổ chức cực đoan khác, trong đó nổi bật có nhóm Hasm có quan hệ với tổ chức "Anh em Hồi giáo." 

Đặc biệt, hàng trăm công dân Ai Cập, được cho là đã tới các nước Syria, Libya và Iraq để tham gia các nhóm thánh chiến khác nhau, trong đó có IS tự xưng, nay trở về Ai Cập, cũng đang là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với quốc gia Bắc Phi này. 

Nhà phân tích Ai Cập Nabil Naeem, chuyên gia về các nhóm thánh chiến khu vực, nhận xét: "Với kinh nghiệm chiến đấu nhiều năm tại các nước bất ổn này, chúng có thể là mối đe dọa hữu hình đối với an ninh của Ai Cập." 

Các phần tử khủng bố đã mở rộng mục tiêu tấn công, lâu nay vốn nhằm vào các lực lượng quân đội, cảnh sát, quan chức chính phủ, người nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao... sang cả cộng đồng Cơ đốc giáo và người Hồi giáo.

Theo Vietnamplus

 

Liên kết hữu ích