Tổng thống Sergio Mattarella phát biểu sau khi tái đắc cử ở Rome (Italy), ngày 29-1-2022 . (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 3-2, ông Sergio Mattarella đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Italy nhiệm kỳ thứ hai trong một phiên họp chung của cả hai viện Quốc hội nước này.
Phát biểu trước các nghị sỹ sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Mattarella nhấn mạnh việc ông đã tuân thủ lựa chọn của các nghị sỹ và các đại diện vùng, những người đã bỏ phiếu cho ông.
Ông Mattarella nhận thức được rằng những kỳ vọng của người dân Italy "sẽ bị tổn hại mạnh mẽ do tình trạng bất ổn chính trị sâu sắc và căng thẳng kéo dài, có thể ảnh hưởng tới các nguồn lực mang tính quyết định và những triển vọng khởi động lại đất nước từ một điều kiện hết sức khó khăn.”
Khi Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện thông báo kết quả cuộc bỏ phiếu, nhà lãnh đạo này đã nói về những vấn đề cấp bách - sức khỏe, kinh tế và xã hội - đang thách thức Italy." Ông nói: "Chúng ta không thể để xảy ra sự chậm trễ hoặc không chắc chắn. Cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, chiến dịch tiêm chủng đã làm giảm rất nhiều rủi ro nhưng Italy không được phép lơ là."
Trong diễn văn nhậm chức, Tổng thống Mattarella đã gửi lời cảm ơn chân thành và lời chúc tốt đẹp nhất đến chính phủ do Thủ tướng Mario Draghi lãnh đạo, một chính phủ đang có các cam kết mạnh mẽ đối với tất cả những vấn đề trên - cả trong nước và trên bình diện quốc tế.
Tổng thống Mattarella đánh giá chính phủ của Thủ tướng Draghi, vốn ra đời với sự ủng hộ rộng rãi của Quốc hội, đang đưa đất nước vượt qua tình thế khẩn cấp và đặt nền móng cho một thời kỳ tăng trưởng bền vững mới của đất nước và của châu Âu.
Việc ông Mattarella, 80 tuổi, người ban đầu miễn cưỡng đồng ý giữ nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 7 năm, được bầu lại đã mang lại phần nào sự trì hoãn tạm thời cho những căng thẳng trong liên minh cầm quyền của Italy sau một tuần bỏ phiếu để tìm ra người kế nhiệm ông song không có kết quả.
Trong hệ thống chính trị của Italy, Tổng thống là một nhân vật quyền lực, người được quyền bổ nhiệm Thủ tướng và thường được kêu gọi giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị. Các chính phủ ở nền kinh tế lớn thứ ba của khu vực đồng euro chỉ tồn tại trung bình khoảng một năm.
Căng thẳng chính trị dự kiến sẽ gia tăng trong liên minh rộng rãi của Thủ tướng Draghi khi các đảng bắt đầu huy động sự ủng hộ trước cuộc bầu cử quốc gia diễn ra vào đầu năm tới.
Theo DƯƠNG HOA (TTXVN/Vietnam+)