
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 4/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo đài RT (Nga), trong cuộc họp báo sau các cuộc hội đàm cấp cao tại Riyadh hôm 18/2, khi được yêu cầu gửi thông điệp tới việc một số người Ukraine đang cảm thấy “bị phản bội và thất vọng” vì không có ghế trong các cuộc đàm phán này, Tổng thống Trump đã trả lời: “Tôi thật sự thất vọng với những gì đã xảy ra. Tôi đã theo dõi tình hình này suốt ba năm. Họ nói rất buồn vì không có ghế trong cuộc đàm phán, nhưng thực tế, họ đã có ghế suốt ba năm qua và thậm chí còn lâu hơn nữa”.
Ông Trump ám chỉ rằng Ukraine đã bỏ lỡ cơ hội tự chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều năm. Theo ông, cuộc xung đột này có thể đã được giải quyết rất dễ dàng.
“Một nhà đàm phán bình thường có thể đã kết thúc cuộc xung đột này từ nhiều năm trước, mà không phải mất lãnh thổ, thậm chí không mất sinh mạng hay thành phố nào”, ông nói.
Những lời phát biểu này của ông Trump diễn ra sau các cuộc hội đàm giữa Mỹ và Nga tại Saudi Arabia, trong đó cả hai bên đều nhận định cuộc gặp gỡ có hiệu quả.
Sau cuộc đàm phán kéo dài 4,5 giờ, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết hai phái đoàn đã làm việc “khá thành công” để cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia. Các bên cũng đạt được thỏa thuận khôi phục đội ngũ nhân viên đại sứ quán, sau nhiều năm diễn ra các cuộc trục xuất ngoại giao, đồng thời thành lập các nhóm làm việc để tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thừa nhận phương Tây sẽ cần giải quyết các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga để đạt được một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột.
Trước đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Karoline Leavitt nhận định cuộc đàm phán Nga-Mỹ tại Riyadh là bước tiến lớn hướng tới chấm dứt xung đột Ukraine.
“Đây thực sự là một bước tiến lớn hướng tới hòa bình trong xung đột Nga-Ukraine”, bà Leavitt nói. Bà đồng thời chỉ trích cựu Tổng thống Joe Biden đã từ bỏ ngoại giao để ủng hộ chiến dịch gây sức ép chống lại Nga.“Chính quyền trước không có bất kỳ cuộc đàm phán hay thảo luận nào, thực sự không có hoạt động ngoại giao nào trong nỗ lực này”, bà nói thêm.
Mối quan hệ giữa Moskva và Washington đã xuống mức thấp nhất trong ba năm qua, kể từ khi chính quyền ông Biden cắt đứt hầu hết quan hệ với Nga và áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Các quan chức Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ sự ngạc nhiên trước các cuộc đàm phán ở Riyadh, cùng với cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 12/2. Nhà lãnh đạo Ukraine, VolodymyrZelensky, cũng bày tỏ sự thất vọng vì cuộc họp tại Riyadh diễn ra mà không có sự tham gia của ông, khẳng định Kiev sẽ không chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán nào mà không có sự tham gia của nước này.
Bà Leavitt khẳng định Mỹ vẫn duy trì liên lạc với các đồng minh châu Âu và với Kiev, khẳng định: “Chúng tôi đang đảm bảo rằng tất cả các bên đều được lắng nghe”.
Về phần mình, Nga nhấn mạnh rằng bất kỳ giải pháp nào cũng cần giải quyết “nguyên nhân gốc rễ” của cuộc khủng hoảng, bao gồm sự mở rộng của NATO ở châu Âu từ những năm 1990 và mong muốn của Ukraine gia nhập liên minh quân sự này. Ông Putin cũng tuyên bố Ukraine phải trở thành một quốc gia trung lập, từ bỏ yêu sách đối với Crimea và bốn khu vực khác đã bỏ phiếu sáp nhập Nga từ năm 2014.
Theo TTXVN