Hiện trường vụ tấn công bằng rocket ở ngoại ô thủ đô Tripoli, Libya ngày 24/12/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã khẳng định mong muốn phối hợp hành động chặt chẽ hơn nhằm giúp ổn định tình hình tại Libya.
Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm ngày 27/12, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi cụ thể vấn đề giải quyết khủng hoảng tại Libya.
Hai ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực hòa giải của Đức và Liên hợp quốc trong bối cảnh cộng đồng quốc tế thúc đẩy tiến trình chính trị với sự tham gia của tất cả các bên ở quốc gia Bắc Phi này.
Trong khi đó, Giám đốc bộ phận truyền thông thuộc Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 27/12 cho biết, Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc công nhận đã yêu cầu Ankara hỗ trợ quân sự.
Trên tài khoản Twitter, ông Fahrettin Altun viết: "Chính phủ Libya đã yêu cầu sự hỗ trợ quân sự từ Thổ Nhĩ Kỳ. Như Tổng thống (Recep Tayyip) Erdogan đã nói, chúng tôi tất nhiên sẽ tôn trọng thỏa thuận của chúng tôi."
Bình luận của ông Altun được đưa ra 1 ngày sau khi Tổng thống Erdogan khẳng định Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 8 hoặc 9/1/2020 sẽ bỏ phiếu về quyết định triển khai binh sĩ tới Libya nhằm hỗ trợ GNA chống lại lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar.
[Lãnh đạo Ai Cập và Mỹ điện đàm trao đổi về tình hình Libya]
Cùng ngày, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng nước này, bà Nadide Sebnem Aktop, cho biết Ankara sẵn sàng triển khai các lực lượng vũ trang tới Libya nếu cần thiết.
Theo quan chức trên, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể hoạt động bên trong và bên ngoài nước này khi được yêu cầu.
Hồi cuối tháng 11 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc công nhận ở Tripoli đã ký một thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự, cho phép Ankara hỗ trợ về trang thiết bị và huấn luyện quân sự cho GNA.
Hôm 22/12, Tổng thống Erdogan tuyên bố nước này sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Libya nếu cần thiết, trong đó các phương án sử dụng bộ binh, không quân và hải quân đều được xem xét lựa chọn.
Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammer Gaddafi.
Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA do ông Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.
Trong khi đó, lực lượng của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.
Theo Vietnamplus