Bộ Y tế đã đưa ra tài liệu hướng dẫn nhận biết 70 cây thuốc được sử dụng cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Trong đó có nhiều loại cỏ mọc dại ven đường. Tuy nhiên, khi sử dụng, người dân cần tham khảo ý kiến của các thầy thuốc có kiến thức vững vàng.
Cỏ nhọ nồi còn được gọi là cỏ mục, hạn liên thảo, lệ trường, phong trường, thuộc họ cúc. Cây có khả năng bổ can thận, chữa các chứng huyết nhiệt, ho ra máu, nôn ra máu, đại tiện ra máu, tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, chảy máu dưới da, băng huyết, rong huyết, râu tóc sớm bạc, răng lợi sưng đau. Cách sử dụng là sắc uống; giã vắt lấy nước uống; bã đắp vết thương; dùng phối hợp với các cây thuốc khác chữa chứng xuất huyết.
Cỏ tranh còn gọi là bạch mao căn, nhất địa, thuộc họ lúa. Cây có công năng lương huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm đau, chữa phiền khát, tiểu tiện khó, tiểu ít, tiểu buốt, tiểu ra máu, ho ra máu, chảy máu cam do huyết nhiệt, phù thũng do viêm cầu thận cấp, vàng da. Cách dùng là thái nhỏ cỏ, sắc với nước uống.
Cỏ xước còn gọi là hoài ngưu tất, thuộc họ rau dền. Các bài thuốc thường dùng rễ cỏ xước đã phơi, sấy khô. Công năng của loại cỏ này là hoạt huyết, khứ ứ, bổ can thận mạnh gân xương, lợi thủy thông lâm, chữa đau nhức xương khớp, đau lưng, mỏi gối, chân tay co quắp, tê bại, kinh nguyệt không đều, tiểu tiện không thông, tiểu buốt, tiểu rắt. Cách dùng là sắc uống hằng ngày.
Cỏ mần trầu còn gọi là cỏ chỉ tía, thanh tâm thảo, thuộc họ lúa. Cây có tác dụng thanh nhiệt, hạ sốt, giải độc, làm mát gan, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, chữa cảm nắng, sốt nóng, cao huyết áp, viêm gan da vàng, dị ứng mẩn ngứa, tiểu khó, nước tiểu đỏ. Cây khô, tươi đun sôi để nguội, chắt lấy nước uống.
Cỏ sữa lá nhỏ còn gọi vú sữa đất, thiên căn thảo, cẩm địa, thuộc họ thầu dầu. Cây có khả năng cầm máu, giảm đau, tiêu độc, chỉ lỵ, thông sữa, lợi tiểu, chữa lỵ trực khuẩn và lỵ amip, nhất là cho trẻ em, chữa mụn nhọt, băng huyết, tắc tia sữa. Cỏ có thể dùng để sắc uống trong 5-7 ngày.
Theo Vietnamnet