TP. Long Xuyên tận dụng tối đa tiềm năng thương mại – dịch vụ đô thị

03/06/2024 - 06:58

 - TP. Long Xuyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, là trung tâm của vùng tam giác phát triển TP. Hồ Chí Minh – TP. Cần Thơ - Phnom Penh (Vương quốc Campuchia). Đồng thời, đây là đô thị có tỷ trọng thương mại, dịch vụ cao nhất trong hệ thống 12 đô thị tỉnh lỵ của vùng ĐBSCL (cơ cấu trên 80%). Nếu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế này, địa phương sẽ càng vươn mình bứt phá.

Lợi thế vượt trội

Về hạ tầng thương mại, TP. Long Xuyên hiện có 2 trung tâm thương mại, 4 siêu thị, 2 trung tâm mua sắm, 19 chợ truyền thống, 26 cửa hàng tiện lợi. Số lượng này “áp đảo”, chiếm gần 70% so tổng số lượng của cả tỉnh. Tương tự, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2023, địa phương ước đạt 24.672 tỷ đồng, bằng 42% so cả tỉnh. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống của thành phố năm 2023 ước đạt 9.345 tỷ đồng, bằng 65% so cả tỉnh.

Trên địa bàn TP. Long Xuyên có cảng Mỹ Thới, là cảng quan trọng giữ vai trò tập kết hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy ra vào địa phận An Giang. Cảng Mỹ Thới còn quản lý hệ thống 7 bến phao neo đậu, có thể tiếp nhận tàu tải trọng từ 3.000 DWT đến 10.000 DWT (tấn). Hệ thống kho bãi có thể phục vụ lưu kho lên đến 23.500 tấn; bãi đa chức năng có thể tiếp nhận 52.000 tấn hàng hóa các loại. Hàng năm, xuất khẩu hàng hóa qua cảng Mỹ Thới đạt giá trị khoảng 700 triệu USD.

Ngoài ra, TP. Long Xuyên còn là trung tâm thu hút khách du lịch (DL) đến tham quan, mua sắm, với các địa điểm nổi tiếng, như: Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng gắn với DL sinh thái xã Mỹ Hòa Hưng; chợ nổi Long Xuyên… Xung quanh thành phố còn có các địa điểm vệ tinh của địa phương lân cận phục vụ khách tham quan, như: Huyện Thoại Sơn (cách 25km); huyện Chợ Mới (cách 30km); huyện Châu Thành (cách 15km).

Đặc biệt, không gian cũng như kết cấu hạ tầng TP. Long Xuyên thuận lợi cho phát triển các loại hình tuyến phố đi bộ, ẩm thực, mua sắm… Trong đó, kết hợp khai thác trình diễn, phục vụ văn hóa cộng đồng trên các tuyến phố này để thu hút người dân, khách tham quan hơn.

Tuy nhiên, trong thực tế phát triển, TP. Long Xuyên vẫn chưa tận dụng, phát huy một cách đầy đủ. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Long Xuyên Võ Thiện Hảo thông tin: “Không gian đô thị đang đòi hỏi phải có giải pháp quy hoạch và quản lý phát triển trên cả 3 khía cạnh (kinh tế - xã hội và môi trường).

Về phát triển kinh tế đô thị, phải làm tốt quy hoạch đô thị gắn với kinh tế đô thị và nguồn lực đầu tư. Mặc dù những năm gần đây, thành phố có sự tăng trưởng vượt bậc, thương mại, dịch vụ tuy chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế thành phố nhưng giá trị chưa lớn; quy mô phát triển kinh tế còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa phương; thu hút đầu tư chưa nhiều”.

Theo Sở Công Thương An Giang, địa phương chưa phát triển được chợ đầu mối để thực hiện chức năng phân phối hàng hóa của tỉnh. Chợ đầu mối sẽ giúp TP. Long Xuyên phát triển thêm các loại hình cung ứng hàng hóa mới, dịch vụ thương mại mới; giúp thành phố nói riêng, tỉnh An Giang nói chung thuận lợi trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa đặc thù là nông sản.

Tập trung xây dựng hạ tầng thương mại

“Trước tiên, cần tiếp tục xây dựng hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại và phù hợp đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của thành phố. Theo Quy hoạch tỉnh An Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP. Long Xuyên phát triển mới 5 siêu thị và 5 trung tâm thương mại. Vì vậy, cần tập trung thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại theo quy hoạch được phê duyệt.

Đặc biệt, kêu gọi đầu tư loại hình hạ tầng thương mại có tính chất trọng tâm, trọng điểm (hệ thống chợ đầu mối gắn với trung tâm logistics). Khuyến khích chợ truyền thống thích ứng, chuyển đổi phương thức bán hàng, kết hợp online và offline, phát huy lợi thế của chợ truyền thống (văn hóa, nguồn hàng, người bán hiểu rõ sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm, kho hàng)” - Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng gợi mở.

Cùng với đó, địa phương cần hình thành khu, tuyến phố chuyên đề ẩm thực phục vụ khách DL; hình thành khu phố mua sắm, thu hút thương hiệu nổi tiếng có gian hàng tại Long Xuyên; khuyến khích cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ, đặc biệt tại khu vực phát triển kinh tế ban đêm, khu vực trung tâm… Giai đoạn đầu, tập trung hình thành, tổ chức, duy trì tốt tuyến phố đi bộ có điều kiện, tiềm năng phát triển, như: Phường Mỹ Long, Bình Khánh, Mỹ Xuyên, Mỹ Phước.

Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử cũng là giải pháp quan trọng cần được quan tâm. Theo Sở Công Thương An Giang, đô thị Long Xuyên tăng cường phát triển hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công; tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR...

Tập trung phát triển một số lĩnh vực, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh (phân phối, DL, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, logistics, giáo dục và đào tạo, y tế...). Đồng thời, hình thành một số trung tâm dịch vụ DL với sản phẩm DL chất lượng cao, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Phát triển trung tâm logistics cấp vùng đặt tại TP. Long Xuyên, quy mô tối thiểu từ 20ha trở lên, nhằm đẩy mạnh lưu thông hàng hóa trong tỉnh, liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Mặt khác, hình thành trung tâm hội chợ triển lãm phù hợp quy hoạch, để tăng cường kết nối tiêu thụ hàng hóa, tạo địa điểm thường niên để người dân đến tham quan, mua sắm hàng hóa.

“Thương mại, dịch vụ, DL là trụ cột quan trọng, thế mạnh để phát triển kinh tế Long Xuyên. Do đó, địa phương tiếp tục đầu tư suy nghĩ nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển, khai thác lĩnh vực này. Thực tế hiện nay, địa phương rất thiếu hoạt động dịch vụ về đêm phục vụ khách DL và người dân” - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước lưu ý.

GIA KHÁNH