Trả lời cử tri về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

15/11/2023 - 05:53

 - Hiện nay, người lao động nông thôn vẫn có xu hướng tìm kiếm việc làm tại các tỉnh, thành phố lớn, dẫn đến việc phải sống xa nhà, không có điều kiện gắn bó với gia đình. Đồng thời, tiền lương còn thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Trong các lần tiếp xúc đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, cử tri đề nghị chính quyền địa phương cần có chính sách thu hút nhà đầu tư về An Giang, xây dựng thêm khu công nghiệp, tạo việc làm tại chỗ.

Theo UBND tỉnh, An Giang hiện có 3 khu công nghiệp đã được thành lập, đưa vào hoạt động, gồm: Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành); Khu công nghiệp Bình Long (huyện Châu Phú); Khu công nghiệp Xuân Tô (TX. Tịnh Biên), tổng diện tích gần 220ha. Bên cạnh đó, Khu công nghiệp Vàm Cống (quy mô 193,3ha tại phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định 890/QĐ-TTg, ngày 25/7/2022, do Tập đoàn T&T làm chủ đầu tư. Tỉnh đang tích cực hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn chỉnh các thủ tục khác để sớm khởi công, triển khai dự án; dự kiến tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 8.000 lao động địa phương.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành và địa phương đang hỗ trợ nhà đầu tư hoàn chỉnh thủ tục để chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư dự án Cụm công nghiệp Mỹ Phú 1 (quy mô 64,45ha tại xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú); Cụm công nghiệp Hòa An (quy mô 50ha tại xã Hòa An, huyện Chợ Mới); Cụm công nghiệp An Nông (quy mô 35,74ha tại xã An Nông, TX. Tịnh Biên); nhà máy chế biến lương thực thực phẩm xuất nhập khẩu Vina Thái Bình Dương (quy mô 15ha tại Cụm công nghiệp Tân Trung, huyện Phú Tân)... Các dự án trên đều có quy mô tương đối lớn. Sau khi hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ thu hút rất nhiều lao động tại địa phương, giải quyết  việc làm tại chỗ, đáp ứng nhu cầu của người dân về việc làm, an sinh xã hội.

Về định hướng thu hút đầu tư thời gian tới, theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) thì đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 6 khu công nghiệp, tổng diện tích 872ha (bổ sung mới Khu công nghiệp Định Thành); 39 cụm công nghiệp, tổng diện tích trên 1.715ha (bổ sung quy hoạch mới thêm 30 cụm). Trên cơ sở bám sát định hướng quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh ban hành Quyết định 514/QĐ-UBND, ngày 17/4/2023 về Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2023, danh mục dự án trọng điểm ưu tiên thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Theo đó, gồm 52 dự án thuộc 6 lĩnh vực chính: Hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng khu đô thị, khu nhà ở; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp và hạ tầng cụm, khu công nghiệp; thương mại - dịch vụ - du lịch; văn hóa - xã hội - môi trường. Định hướng chung trong thu hút, mời gọi các dự án đầu tư của tỉnh là chọn lọc dự án chất lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Riêng đối với lĩnh vực phát triển hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp, từ nay đến năm 2025, tỉnh tập trung mời gọi đầu tư 4 khu công nghiệp (Hội An, Xuân Tô mở rộng, Bình Hòa mở rộng, Định Thành), 9 cụm công nghiệp (Cô Tô, Lương An Trà 2, Lương An Trà 3 (huyện Tri Tôn), Châu Phong (TX. Tân Châu), Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc), An Phú (huyện An Phú), Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân), An Nông (TX. Tịnh Biên), Hòa Bình, huyện Chợ Mới) và 3 nhà máy sản xuất, chế biến nông - thủy sản. Đến năm 2030, sẽ tiếp tục mời gọi đầu tư thêm 21 cụm công nghiệp còn lại trên địa bàn tỉnh.

 UBND tỉnh đã kiến nghị Trung ương xem xét, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư mạnh mẽ vào Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh, để tạo đột phá mới cho đầu tư phát triển tại vùng này, nhất là kinh tế biên mậu. Tỉnh xin Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế tỉnh để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, phù hợp định hướng thu hút đầu tư và thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) khu kinh tế cửa khẩu, trở thành động lực mới trong phát triển KTXH của tỉnh.

Bên cạnh đó, An Giang cũng đang phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 287/QĐ-TTg, ngày 28/2/2022). Trong đó nghiên cứu, đề xuất Trung ương ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của vùng và của mỗi địa phương. An Giang kêu gọi đầu tư 6 lĩnh vực ưu tiên theo định hướng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phát triển KTXH, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.

K.N