Trả lời ý kiến cử tri trên lĩnh vực công thương

07/12/2021 - 05:49

 - Thông qua đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ quan tâm, xem xét cách tính giá bậc thang để giảm tiền điện sinh hoạt hộ gia đình cho người dân; cần có biện pháp ổn định giá mặt hàng tiêu dùng và đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trường hợp tăng giá không đúng quy định, bán hàng kém chất lượng; đầu cơ, tích trữ, nâng giá, gian lận trong buôn bán. Bộ Công thương đã trả lời các vấn đề này.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thiện phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện

Điện năng là hàng hóa đặc biệt. Việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, việc lưu trữ điện năng có chi phí lớn và tốn kém. Về nguyên tắc, ngành điện huy động các nhà máy điện có giá rẻ phát điện trước, nhà máy điện có giá đắt hơn phát điện sau, cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng. Với đặc điểm này, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, hiện nay rất nhiều nước trên thế giới (kể cả các nước tiên tiến, như: Nhật bản, Hàn Quốc hay các nước trong khu vực, như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines...) đều áp dụng giá điện theo bậc thang; giá điện của bậc sau cao hơn bậc thang đầu, tương tự Việt Nam.

Có thể thấy rằng, việc áp dụng giá bán lẻ điện cho sinh hoạt theo các bậc phù hợp với mức sử dụng điện khác nhau của hộ dân nhằm khuyến khích hộ dân sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp kinh nghiệm áp dụng của các nước trên thế giới.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn 8807/VPCP-KT, ngày 22-10- 2020, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thuê tư vấn có kinh nghiệm nghiên cứu, cập nhật số liệu, hoàn thiện phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó có nội dung đánh giá việc thực hiện biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt và các phương án đề xuất cải tiến bậc giá sinh hoạt phù hợp thực tế sử dụng điện của hộ dân. Căn cứ kết quả kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và tình hình kinh tế năm 2021, Bộ Công thương sẽ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực và tư vấn hoàn thiện phương án, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi cơ quan có liên quan trước khi báo cáo Chính phủ xem xét quyết định.

Triển khai giải pháp bình ổn giá

Thời gian qua, việc giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam và một số địa phương khiến việc vận chuyển, phân phối hàng hóa gặp khó khăn, chi phí vận chuyển và hao hụt hàng hóa tăng, giá một số loại thực phẩm có xu hướng tăng. Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác và tại các địa phương không áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, cơ bản không có biến động lớn.

Để góp phần bình ổn giá các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng thiết yếu, Bộ Công thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo Sở Công thương, doanh nghiệp (DN) phân phối lớn trong việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa với giá cả ổn định; nhiều DN tham gia chương trình bình ổn thị trường, cam kết không tăng giá bán. Bên cạnh đó, Bộ Công thương có nhiều đề xuất, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn trong trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa và duy trì hoạt động của hệ thống phân phối khi thực hiện giãn cách xã hội.

Về xăng dầu, thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hiện nguồn cung trên thị trường về cơ bản ổn định. Tuy nhiên, giá các mặt hàng này có xu hướng tăng do chịu nhiều ảnh hưởng của xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới (do Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu, thành phẩm để phục vụ sản xuất và đáp ứng nhu cầu trong nước). Bên cạnh đó, chi phí vận tải hàng hóa tăng do tình trạng thiếu container và tắc nghẽn tại cảng (do yêu cầu về kiểm soát dịch bệnh).

Bộ Công thương đã triển khai một số giải pháp về bình ổn giá, cụ thể: Thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình sản xuất, cung cầu sản phẩm thép, báo cáo Thủ tướng một số giải pháp nhằm góp phần ổn định giá thép trong nước. Đề nghị Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các DN sản xuất phân bón lớn chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phát huy công suất sản xuất, giảm tồn kho, kiểm soát kênh phân phối, tiết giảm chi phí sản xuất, ưu tiên tối đa tiêu thụ phân bón tại thị trường trong nước, định kỳ báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ phân bón.

Ngoài ra, làm việc trực tiếp với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá tình hình sản xuất, nắm bắt biến động giá cả trong nước và thế giới, tình hình cung ứng phân bón ra thị trường, các biện pháp chỉ đạo điều hành hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm cung ứng tối đa cho thị trường nội địa...

Liên Bộ Công thương - Tài chính điều hành giá xăng dầu theo hướng bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế - xã hội trong nước; sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế tác động tăng giá cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN và đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Trong thời gian tới, để góp phần bình ổn thị trường, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu. Phối hợp với bộ, ngành trong tham mưu điều hành giá mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu, nhằm bảo đảm kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu đề ra. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu để tạo yên tâm cho người dân, tránh hiện tượng đầu cơ, tích trữ gây bất ổn thị trường. Phối hợp các địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

N.R