Trách nhiệm bảo vệ thủy sản

29/01/2023 - 08:29

 - An Giang được thiên nhiên ưu đãi cả 2 dòng nước sông Tiền và sông Hậu, là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi thủy sản. “Muốn giàu nuôi cá”, ý nói nghề nuôi thủy sản mang lại giá trị cao trên diện tích nhỏ. Tuy nhiên, do vốn đầu tư lớn nên đòi hỏi trách nhiệm bảo vệ và phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản cũng lớn hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa ký Quyết định ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản nuôi tỉnh An Giang giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức và hoàn thành tốt công tác phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi; xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, góp phần phục vụ tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, diễn biến bệnh trên thủy sản nuôi xuất hiện nhiều vào thời điểm đầu mùa nước lũ (từ tháng 6 đến tháng 7) và thời điểm nước lũ rút kết hợp với gió mùa Đông Bắc (từ tháng 10 đến tháng 12). Nguyên nhân do sự biến đổi các chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa của môi trường nước, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, làm thủy sản nuôi bị stress và dễ mẫn cảm với mầm bệnh.

Nuôi thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao

Để bảo vệ thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được UBND tỉnh giao trách nhiệm thực hiện các bài viết tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, như: Phương pháp phòng trị một số bệnh thường gặp trên cá tra, cá lóc, cá rô phi, điêu hồng, tôm càng xanh; danh mục hóa chất kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Hình thức tuyên truyền thực hiện rộng khắp, từ báo, đài tỉnh đến hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn, đặc biệt tăng cường vào các thời điểm bệnh dễ phát sinh trên thủy sản nuôi (từ tháng 4 đến tháng 12 hàng năm).

Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) An Giang được giao nhiệm vụ phân công hệ thống nhân viên CN&TY xã, phường, thị trấn bám sát địa bàn quản lý, theo dõi thường xuyên tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện thủy sản nuôi bị bệnh hoặc nhận được thông báo từ chủ cơ sở nuôi, nhân viên CN&TY phải xuống ngay địa điểm tiếp nhận thông tin để xác minh, thực hiện kiểm tra lâm sàng và hướng dẫn các biện pháp xử lý; cập nhật báo cáo dịch bệnh đúng theo quy định.

Trong trường hợp nhận thấy bệnh có khả năng lây lan nhanh và gây thiệt hại cao, Trạm CN&TY cấp huyện phải báo cáo về Chi cục CN&TY An Giang để đơn vị cử nhanh công chức, viên chức phụ trách phòng, chống dịch bệnh thủy sản xuống phối hợp, triển khai giải pháp khống chế và xử lý dịch bệnh. Trường hợp cấp thiết, Chi cục CN&TY tổ chức thu mẫu bệnh bổ sung để thực hiện xét nghiệm bệnh nhằm tìm phác đồ điều trị phù hợp, hướng dẫn điều trị bệnh, không để dịch bệnh lây lan.

Để đáp ứng yêu cầu chuyên môn, Chi cục CN&TY An Giang được trang bị 1 máy đo môi trường đa chỉ tiêu (ô-xy hòa tan, pH, NH3) để thực hiện quan trắc khi có trường hợp cá chết đột xuất trong ao hay trên các khu vực nuôi lồng, bè để có khuyến cáo giải pháp khắc phục kịp thời. Đối với 11 Trạm CN&TY huyện, thị xã, thành phố, được trang bị kính hiển vi và dụng cụ sử dụng kèm theo để kiểm tra bệnh ký sinh trùng trên thủy sản, phục vụ công tác kiểm dịch và phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản.

Sở NN&PTNT được giao chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn một số vùng nuôi cá tra xuất khẩu của doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất giống thủy sản có điều kiện, tiềm năng để tổ chức hỗ trợ xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của của Bộ NN&PTNT, khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, được UBND tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi hàng năm. Tùy theo thực tiễn tại địa phương, có thể xây dựng thêm các hoạt động đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, chủ động ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cấp huyện để thực hiện. Đồng thời, bố trí nguồn lực, vật tư, phương tiện để chống dịch khi có dịch xảy ra.

Đối với cơ sở, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản và giống thủy sản, cần phối hợp tốt với cơ quan chuyên môn trong thu mẫu môi trường và giám sát dịch bệnh; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Chi cục CN&TY. Khi phát hiện thủy sản nuôi bị bệnh, phải báo ngay cho nhân viên CN&TY xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không được xả nước thải chưa qua xử lý hoặc thủy sản chết ra môi trường; thực hiện tốt quy trình kỹ thuật về chuẩn bị cơ sở nuôi, quản lý chất lượng nước và chăm sóc sức khỏe thủy sản nuôi…

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích