Câu “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn còn nguyên giá trị
Nhiều giáo viên tỏ ra hụt hẫng trước văn hóa ứng xử, hành vi thiếu đạo đức của nhóm học sinh này. Chưa bàn về nguyên nhân xuất phát từ phía cô giáo hay học sinh, nhưng hành vi tấn công giáo viên đã vượt giới hạn về đạo đức, lối sống. Nhiều người cảm thông trước sự “cô đơn” của cô giáo, khi sự việc diễn ra mà không thấy sự vào cuộc kịp thời của nhà trường, cha mẹ học sinh.
Đáng trách là, theo như cô giáo trình bày, sự việc cô bị học sinh khiêu khích, xúc phạm không phải lần đầu. Những lần trước đó, cô đã báo cáo với trường nhưng không được giải quyết. Hơn ai hết, hiệu trưởng là người đứng đầu đơn vị về lãnh đạo, quản lý các hoạt động, nhưng thiếu kiểm tra, buông lỏng, thờ ơ trong công tác lãnh đạo, quản lý; để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như học trò kéo bè, kéo nhóm chống đối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa giáo viên. UBND huyện nơi ngôi trường xảy ra sự việc đã quyết định tạm đình chỉ chức vụ và công tác của hiệu trưởng để xác minh, làm rõ vụ việc liên quan điều hành, quản lý giáo viên, học sinh trong nhà trường.
Công đoàn giáo dục Việt Nam đã yêu cầu Công đoàn giáo dục tỉnh Tuyên Quang phối hợp các đơn vị xử lý việc này theo hướng kiên quyết, xử nghiêm hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, xúc phạm nhà giáo trong các cơ sở giáo dục. Ngành cũng có văn bản gửi công đoàn giáo dục tất cả các tỉnh, thành phố có giải pháp chấn chỉnh, tăng cường biện pháp bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng nhà giáo, người lao động. Trong đó, quán triệt, thực hiện nghiêm túc phương châm “thầy ra thầy, trò ra trò” trong các nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có văn bản đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo, xác minh, làm rõ vụ việc. Trên cơ sở đó, có hình thức xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm với các cá nhân, tập thể liên quan.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Việt Nam, thái độ vô lễ của học sinh với thầy, cô giáo, bạo hành với học sinh là không thể chấp nhận được. “Điều cần làm là lên án thái độ vô lễ với thầy cô của học sinh. Ở đây, truyền thống “tôn sư trọng đạo” không còn. Đó là hành vi không thể chấp nhận được” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Đối với An Giang, tỉnh rất quan tâm công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh; phối hợp chặt chẽ với gia đình và các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý, giáo dục học sinh. Vừa qua, Sở GD&ĐT kiểm tra công tác phòng, chống bạo lực học đường tại 12 cơ sở giáo dục thuộc Phòng GDĐT TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, huyện Tri Tôn, Thoại Sơn và 4 trường THPT.
Theo đó, thông qua họp lệ cơ quan, chào cờ đầu tuần, qua website, email, Zalo nhóm, các đơn vị tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các văn bản của Trung ương, ngành và UBND tỉnh đến tất cả giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh, về: Môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; Bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ; hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông…
Theo Sở GD&ĐT, các trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa; phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, bố trí thời gian hợp lý, khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thể chất; tăng cường công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, các chương trình, dự án nhằm phát triển công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học… Đầu năm học, các trường tổ chức lấy thông tin học sinh các lớp, số điện thoại cha mẹ học sinh liên lạc khi cần thiết. Công khai số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu, đường dây nóng, hộp thư góp ý để tiếp nhận thông tin; bố trí cán bộ lớp theo dõi, báo cáo kịp thời tình hình để có biện pháp ngăn chặn, xử lý... Khi có vụ việc xảy ra, nhà trường nhanh chóng nắm tình hình để giải quyết phù hợp. Đối với các em có thái độ cáu gắt, hay gây chuyện, nhà trường giao cho nhân viên tâm lý học đường theo dõi, tư vấn tâm lý nhằm hạn chế bạo lực xảy ra trong và ngoài nhà trường để các em có tinh thần học tập tốt hơn…
“Tiên học lễ, hậu học văn” là trước tiên phải học làm người, tu dưỡng đạo đức bản thân rồi mới học đến những kiến thức văn hóa khác để nâng cao hiểu biết. Bởi đạo đức là cái gốc của một con người. Thế nên, song song với “dạy chữ”, cần tăng cường “dạy người” cho học sinh, nhất là đối với các em chưa ngoan, cá biệt, dễ bốc đồng. Cùng với đó, phụ huynh cần nêu cao trách nhiệm trong quản lý con em, gắn kết với nhà trường, giáo viên để quản lý, giáo dục các em phát triển toàn diện.
HỮU HUYNH