Trách nhiệm người đứng đầu ở huyện Tri Tôn

22/06/2021 - 07:11

 - Với việc phát huy vai trò gương mẫu, tinh thần trách nhiệm trong công tác xây dựng Đảng của người đứng đầu cấp ủy, vùng đất nghèo khó Tri Tôn đang thay đổi từng ngày theo hướng tích cực. Phát huy đoàn kết, hòa quyện “ý Đảng - lòng dân” là cách giúp khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng đất anh hùng, nơi từng chịu nhiều mất mát, hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…

Câu chuyện “con đường đau khổ”

Tại trung tâm thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn), đường số 25 trên địa bàn khóm 4 là một trong những con đường đẹp nhất hiện nay. Đường rộng rãi, thoáng đãng, 2 bên đường là vỉa hè sạch đẹp với hàng cây bằng lăng trổ bông tím nên thơ. Nhìn con đường hôm nay, ít ai biết được rằng, hơn 20 năm qua, đây từng được mệnh danh là “con đường đau khổ”. Nỗi khổ ấy gắn chặt với cuộc đời người đàn ông luôn có tâm làm từ thiện tên Lê Quang Phường (sinh năm 1959, số nhà 80, đường Trần Phú, tổ 17, khóm 4, thị trấn Tri Tôn).

Đường số 25 rộng rãi với hàng cây bằng lăng trổ bông tím nên thơ

Năm 1998, trên cơ sở phê duyệt của UBND tỉnh An Giang, UBND huyện Tri Tôn triển khai xây dựng con đường mới (đường số 25). Đây là tuyến đường quan trọng kết nối trung tâm huyện Tri Tôn (đường Trần Phú) với “tuyến đường du lịch” dẫn ra đồi Tà Pạ, hồ Soài Chek ngày nay. Theo quy hoạch, với mặt đường rộng đến 32m, con đường mới “đè” lên phần lớn diện tích đất của gia đình ông Lê Quang Phường, gồm 1.344m2 đất thổ cư, 1.300m2 đất trồng cây lâu năm cùng căn nhà diện tích 143,7m2, vườn cây ăn trái, chuồng heo, nhà vệ sinh… Vì lợi ích chung của cộng đồng, ông Phường thống nhất phương án nhận bồi thường khoán gọn 80 triệu đồng cho diện tích, tài sản bị ảnh hưởng; nhà nước hỗ trợ chi phí chuyển mục đích sử dụng 1.344m2 còn lại của ông Phường.

Tuy nhiên, do cách hiểu, vận dụng khác nhau nên suốt thời gian dài sau đó, câu chuyện chuyển mục đích sử dụng đất và bồi thường cho ông Phường không được giải quyết dứt điểm. Mặc dù cả 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông đều hợp pháp (gồm 1.200m2 đất thổ cư, 693m2 đất thổ cư và 3.245m2 đất cây lâu năm) nhưng do UBND huyện Tri Tôn chưa có quyết định thu hồi và điều chỉnh lại các “giấy đỏ” này, ông Phường không thể thế chấp vay vốn hay mua bán, chuyển nhượng gì được. Kẹt vốn, ông vay nợ bên ngoài nhưng không trả nổi, khiến nợ chồng nợ lên đến hơn 3 tỷ đồng, trong khi vụ việc khiếu nại nhiều nơi không được giải quyết, cuộc sống gần như bế tắc.

Giải quyết có lý, có tình

Cuối tháng 5-2018, ông Cao Quang Liêm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang điều động về làm Bí thư Huyện ủy Tri Tôn. Từ khi đảm nhận thêm vai trò Chủ tịch UBND huyện (ngày 24-1-2019), một trong những ưu tiên của ông là giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại kéo dài, trong đó có vụ việc của ông Lê Quang Phường.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn phân công ông Nguyễn Văn Sấm (thời điểm 2019 là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Tri Tôn; hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tri Tôn) trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ông Lê Quang Phường. Bản thân ông Cao Quang Liêm cũng đến nhà thăm ông Phường. “Ngay lần gặp gỡ đầu tiên, thấy cách nói chuyện gần gũi, chân tình của người lãnh đạo có tâm, tôi đồng ý phương án giải quyết liền” - ông Phường nhớ lại.

Mặc dù giá đất thị trường đang 5 triệu đồng/m2 nhưng ông Phường vẫn chấp nhận đơn giá bồi thường theo nhà nước (từ 1,7 triệu đồng/m2 trở xuống) đối với 852m2 bị thu hồi làm đường. Ông còn hiến thêm vài chục m2 để hoàn chỉnh con đường theo quy hoạch; tự nguyện hiến tặng cả ngàn cây bằng lăng, cẩm lai, chùm ngây… trên 10 năm tuổi để làm đẹp hè phố, tạo không gian xanh cho trường học, chùa. Bù lại, với diện tích đất mặt tiền có được khi con đường hoàn thành, ông Phường chuyển nhượng được giá khá cao, giải quyết đáng kể nợ nần. “Năm 2019, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các nhà tài trợ về huyện Tri Tôn khảo sát xây dựng cầu nông thôn. Đồng chí Cao Quang Liêm cùng đồng chí Lê Văn Nưng (thời điểm này là Phó Chủ tịch UBND tỉnh; hiện là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy) đã “nhờ” nguyên Chủ tịch nước nói với lãnh đạo Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, một trong những nhà tài trợ chính cho Chương trình cầu nông thôn) xem xét giảm phần lãi cho ông Lê Quang Phường để ông có điều kiện trả nợ. Kết quả, ông được giảm lãi hơn 1 tỷ đồng, cộng với tiền bồi thường làm đường và chuyển nhượng đất, ông cơ bản giải quyết được nợ nần” - ông Nguyễn Văn Sấm nhớ lại.

Cũng với cách làm phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tạo đồng thuận với dân, có nhiều con đường trên địa bàn huyện Tri Tôn được người dân ủng hộ hoàn thành. Điển hình như 2 con đường nối từ hồ Soài Chek ra hồ Soài So và đồi Tức Dụp, toàn bộ diện tích đất thu hồi làm đường đều được các hộ Khmer tự nguyện hiến tặng. Bà con còn hỗ trợ thêm chi phí thuê máy cuốc đào đất và giám sát làm đường. “Cách làm là phát huy vai trò trách nhiệm của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Núi Tô, Chủ tịch UBMTTQVN xã. Các bí thư chi bộ, trưởng ban ấp phối hợp người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vận động, giải thích cho bà con Khmer hiểu về lợi ích làm đường nên được đồng thuận rất cao” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm chia sẻ.

“Khi người lãnh đạo đặt lợi ích chung của người dân, cộng đồng trong giải quyết công việc thì mọi việc đều xử lý nhanh. Khi người dân chúng tôi đồng thuận, ủng hộ thì chuyện gì cũng làm được” - ông Lê Quang Phường nhận xét.


Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN