Rạn san hộ Great Barrier tại khu vực ngoài khơi Australia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Ecology Letters ngày 7/6, các nhà nghiên cứu đã công bố bộ dữ liệu tập hợp 108 nghiên cứu về bệnh san hô toàn cầu để phục vụ các phân tích tổng hợp tiếp theo. Các nghiên cứu cho thấy tình trạng lây lan bệnh dịch ở san hô có liên quan đến nhiệt độ trung bình mặt biển mùa Hè đang tăng lên (SST) và những bất thường về nhiệt độ mặt biển hàng tuần (WSSTA).
Theo nghiên cứu, mức độ lây lan bệnh ở san hô toàn cầu tăng gấp 3 lần từ năm 1992 đến 2018, lên 9,92%. Mô hình này ước tính tỷ lệ lây lan bệnh có thể lên đến 76,8% vào năm 2100 nếu nhiệt độ tiếp tục tăng.
Rạn san hô ở Biển Đỏ, Ai Cập. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Nhà khoa học Samantha Burke, tác giả chính của nghiên cứu cho biết các phát hiện này làm nổi bật các tác động tàn phá của nhiệt độ gia tăng đối với các rạn san hô và đặt ra yêu cầu mạnh mẽ phải có hành động nhanh chóng để ngăn chặn biến đổi khí hậu. Bà Burke nêu rõ :"Bệnh san hô là nguyên nhân quan trọng làm san hô chết và sụt giảm. Mô hình dự báo của chúng tôi cho thấy căn bệnh này sẽ tiếp tục tồi tệ thêm".
Theo bà Burke, khi đại dương ấm lên, phản ứng miễn dịch của san hô suy yếu do bị căng thẳng. Nhiệt độ gia tăng cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tác nhân gây bệnh.
Theo TTXVN