Trái tim dành trọn cho học trò

20/11/2018 - 06:55

 - Thầy Nguyễn Đình Phùng (Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An) tuy công tác ở một trường thuộc huyện Phú Tân, nhưng đồng nghiệp và học sinh nơi khác thân thuộc khá nhiều. Trong những ngày chuẩn bị về hưu, thầy không nói về những thành tích bản thân đạt được, mà chiêm nghiệm, sẻ chia nhiều hơn về nghề mà nhiều thế hệ đang gắn bó: nghề giáo.

Thầy Nguyễn Đình Phùng (giữa) tham gia diễn đàn về bạo lực học đường do Tỉnh đoàn tổ chức

Bạn Nguyễn Kỳ Hoa, một cựu học sinh đã viết những dòng tâm sự trên Chuyên đề Tài hoa trẻ (Báo Giáo dục và Thời đại): “Ngày xưa, tôi nghe nói học khối C nghèo lắm. Tuổi trẻ mong thành đạt giàu có nên tôi cắm cúi với khối A. Vậy mà một thời gian sau, tôi quyết định chuyển từ khối A sang khối C. Mọi chuyện bắt đầu không phải từ một nhà văn mà từ một ông thầy hiệu trưởng”.

Hình ảnh về thầy Phùng qua cái nhìn của Kỳ Hoa cũng là hình ảnh thân thuộc mà các thầy, cô và học trò ở Trường THPT Chu Văn An vẫn thấy bao nhiêu năm qua. ngôi trường đạt chuẩn quốc gia với hơn 1.300 học sinh, thành tích đào tạo luôn nằm trong “top” đầu của tỉnh, dáng vóc gầy gầy và xương xương của thầy trở nên nhỏ bé. Thầy đặc biệt thương học trò, luôn “săn lùng” từng học bổng cho học sinh nghèo, quan tâm và giúp đỡ các em bằng mọi cách”.

Thầy Nguyễn Đình Phùng đến với ngành Sư phạm bởi một cái duyên. Thầy kể: “Cha tôi làm thầy giáo dạy tiểu học trong các buôn làng ở Tây Nguyên. Năm 7 tuổi, trong một lần được đến Trường Đại học Sư phạm chơi, bắt gặp 4 chữ “Lương sư hưng quốc”, nghe cha giải thích ý nghĩa tôi đã quyết định theo nghề giáo từ đó. Lớn lên, những ngày sau giải phóng, tôi làm công tác tuyên huấn, hoạt động trong đoàn thanh niên, được bí thư chi bộ phường động viên nên học lên đại học. Nhờ cách mạng, một lần nữa tôi được theo đuổi ngành mình yêu thích”.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, thầy Phùng về An Giang và gắn bó với vùng cù lao Phú Tân, nuôi ước mơ biến nơi này thành vùng đất học. Sau thời gian công tác, thầy đưa ra kết luận: học sinh ở nông thôn có mức độ thông minh, cần cù, sáng tạo không thua kém học sinh bất cứ một vùng nào. Năm 2008, thầy Phùng là người đầu tiên được tỉnh cho đi học về công tác giáo dục tại Singapore, trở về báo cáo cho giáo viên trong tỉnh trong 3 năm liên tục. Đối với thầy, đó là một nét son trong cuộc đời để dần thay đổi quan niệm, cách giảng dạy của mình và đồng nghiệp.

Tình thương của thầy cũng như các thầy, cô ở ngôi trường không chỉ quan tâm đặc biệt cho những trò nghèo, mà cả những học sinh giỏi, học sinh yếu kém, cá biệt. Làm quản lý từ năm 2000 đến nay, thầy chưa ký một quyết định đuổi một học sinh nào, chỉ động viên, giáo dục, thuyết phục để chuyển hóa từng em theo hoàn cảnh, tính cách và sự lắng nghe chân thành. Thầy gọi học sinh của mình là “các con” và luôn nhắc đi nhắc lại về chí học tập. Để làm gương cho “các con”, thầy mạnh dạn phát biểu bằng tiếng Anh trong hội thi “Hùng biện tiếng Anh” của trường, trực tiếp bồi dưỡng học sinh yếu kém, học sinh giỏi miễn phí và tham gia dạy ôn tập trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ở Trường THPT Chu Văn An, những lớp học trò trưởng thành và thành đạt trên mọi lĩnh vực khó có thể đếm hết. Nhưng quan trọng hơn, số em theo nghề sư phạm cũng rất đông. Ngôi trường huyện trở thành vườn ươm tài năng, chắp cánh cho từng lớp học trò thực hiện hoài bão và thực sự trở thành mái nhà thứ 2 đong đầy tình yêu thương.

Nhiều năm qua, không chỉ gắn bó với nhiệm vụ giảng dạy và quản lý ở trường, thầy Nguyễn Đình Phùng còn làm công tác xã hội cho ngành văn hóa, lĩnh vực khuyến học, khuyến tài, đoàn thể của huyện. Càng gắn bó lâu năm với nghề, thầy càng có những suy nghĩ mộc mạc: “Nghề giáo là nghề chân chính, nếu mọi thầy, cô giáo đều có tâm huyết, năng lực và đặc biệt là lòng yêu thương học sinh thì những năm tháng gắn bó với nghề xem như là một phần đời rất đẹp”.

MỸ HẠNH