Trắng đêm thả lưới trên sông

18/04/2025 - 05:57

 - Quanh năm, dòng Mekong che chở, bao dung biết bao phận đời mưu sinh theo sóng nước. Theo vòng quay thời gian, mùa lũ đi qua thì đến con nước lớn ròng xuôi ngược. Ngư dân tiếp tục bám sông, ngày đêm khai thác cá để kiếm thêm thu nhập.

Thâu đêm “săn” cá

Cơn gió lành lạnh thổi khẽ qua mặt sông man mát. Tôi bỗng nghe tiếng chim bìm bịp kêu chiều, lòng bất chợt bâng khuâng. Nhìn về dòng sông, con nước ròng chầm chậm chảy, cũng là lúc ngư dân dong xuồng ra khơi khai thác cá. Màn đêm buông xuống, ngư dân lấy xuồng làm nhà, trăng sao làm bạn, tròng trành theo sóng nước. Bủa lưới được đoạn khá dài, chị Trần Thị Kiều thúc giục chồng mình nhanh tay khởi động máy đuôi tôm rẽ nước ào ạt đến ngã ba sông Chắc Cà Đao (giáp bờ huyện Châu Thành và Chợ Mới) để bủa tiếp luồng lưới mới. Cơn gió ràn rạt bất chợt của những ngày tháng tư thổi mạnh làm giật tấm rèm run lật phật. Những hạt nước li ti tạt vào mặt người, ai cũng lạnh se sắt.

Mờ sáng, ngư dân ghé vào bến chợ bán cá

Nhìn quanh mây trời, anh Nguyễn Văn Thương (chồng chị Kiều) đoán tối nay trời nổi gió chuyển mưa, giăng lưới sẽ khó khăn. Anh Thương dùng chân ngoáy nước đẩy chiếc xuồng ra giữa sông. Từ phía xa có tiếng máy nổ lạch phạch, chị Kiều nhá chiếc đèn pha báo hiệu trên mặt sông để tránh va chạm. “Giăng lưới ban đêm phải cẩn thận, đặc biệt khi có ghe tàu chạy ngang thì không được lơ là. Nếu mình không báo tín hiệu thì những chiếc máy công suất lớn chạy chém đứt tan nát mành lưới” - chị Kiều nói.

Giữa không gian tĩnh mịch, những ngư phủ vẫn lặng lẽ mưu sinh trên dòng sông vắng. Họ xem nơi sông sâu là chỗ kiếm cơm, không một chút sợ hãi. “Sóng nước bồng bềnh, nhiều lúc gặp giông bão nguy hiểm lắm! Nhưng chúng tôi quen rồi. Hôm nào trúng mánh, dính được con cá to thì sống khỏe. Nghề “bà cậu” là vậy. Trúng, thất bất thường lắm” - chị Kiều trò chuyện xởi lởi trong đêm.

Gắn chặt với nghề “bà cậu” lâu năm, nhiều ngư dân dày dạn kinh nghiệm chia sẻ, phải chọn ngày xuất hành thì mới giăng dính được cá ngon. Thấy chúng tôi thắc mắc, chị Kiều giải thích: “Ngư dân nào cũng có tín ngưỡng dân gian, nên đều kiêng cữ lời ăn, tiếng nói. Mỗi lần xuống lưới phải chọn ngày tốt cúng vịt hoặc trái cây”. Nghe vợ mình nói xong, anh Thương tiếp lời: “Mấy năm nay, số lượng cá cóc trên sông khá nhiều, nhưng cá bông lau thì rất hiếm. Lâu lâu, mới dính được 1 con”...

Vui khi cá đầy khoang

Hiện nay, nhiều ngư dân bắt đầu mang ngư cụ ra khúc sông Chắc Cà Đao, Vàm Nao và sông Hậu để khai thác cá bông lau. Năm nay, nguồn cá bông lau sông đã giảm mạnh, nhưng bù lại ngư dân trúng mùa cá sửu (sủ), cá cóc và cá mè vinh. Phân tay lưới vun vút lên chiếc xuồng cui, anh Nguyễn Ngọc Lợi (Năm Lợi, 52 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) rất phấn khởi vì dính được 2 - 3 con cá cóc, loại 1 - 2kg/con. Hơn 20 năm trong nghề hạ bạc, Năm Lợi biết rất rành những khúc sâu, cạn trên sông. Không chỉ vậy, Năm Lợi còn được mệnh danh là “tay sát cá cự phách” được dân trong nghề nể phục. Mỗi lần xuất bến giăng lưới, anh Lợi chỉ cần nhìn con nước là biết cá có ít hay nhiều. Mùa này, mỗi đêm, anh Lợi giăng dính từ 4 - 5 con cá cóc.

Sau một đêm vất vả, những chiếc xuồng của Năm Lợi, anh Thương và cùng những ngư phủ khác thu hoạch được nhiều cá ngon. Tấp vào bến chợ còn sớm, cánh đàn ông tranh thủ ngả lưng thiêm thiếp. Còn các chị lỉnh kỉnh xách cá lên chợ bán. Vài năm trở lại đây, khi nguồn cá sông giảm mạnh, do tác động của môi trường tự nhiên và con người, nên chuyện mưu sinh của bà con gặp khó khăn. Ngày trước, nguồn cá cóc quá nhiều, người dân không thèm ăn do thịt có xương hình chữ y. Bây giờ, loài cá này được xem là đặc sản nằm trong thực đơn của nhà hàng, có giá từ 120.000 - 150.000 đồng/kg (mỗi con trên 1kg). Nhờ vậy mà ngư phủ có thu nhập tương đối...

“Loài cá này xuất hiện từ tháng Giêng đến cuối tháng 5 âm lịch. Khi con nước trên sông chuyển màu xanh trong, cá cóc cỡ lớn xuất hiện nhiều lắm” - Năm Lợi nói. Hàng đêm, tại khúc sông Chắc Cà Đao, sông Vàm Nao có từ 20 - 30 xuồng giăng lưới đánh bắt cá. Những năm trước, cá còn nhiều, số lượng ghe, xuồng rất đông từ 50 - 60 chiếc đánh bắt trên sông. Do nguồn cá dần cạn kiệt, nhiều người đã bỏ nghề hạ bạc để lên bờ tìm việc làm khác.

Trời mờ sáng, tại chợ An Châu, nghe tiếng tát nước trong khoang xuồng khua rột rạt, làm náo nhiệt ở bến chợ quê. Cá nhảy lách tách trong khoang, ngư dân quên đi cơn buồn ngủ sau một đêm vất vả. Xách chiếc vợt đầy cá cóc lên chợ cân cho bạn hàng, chị Nguyễn Thị Phượng tươi cười: “Hôm nay, ông xã tui giăng lưới trúng được mẻ cá cóc dính cả chục con, bỏ sở hụi kiếm bạc triệu. Nhờ vậy, gia đình có đồng ra, đồng vô, nuôi con ăn học hàng ngày”. Chị Bảy Vân (bạn hàng chuyên mua bán cá ngon tại chợ An Châu) nói sang sảng: “Hiện, đang vô mùa cá cóc. Mỗi ngày tôi thu mua hơn 20 con, loại từ 1,5 - 2kg có giá 150.000 đồng/kg, loại cá cóc từ 1 - 1,4kg có giá 120.000 đồng/kg. Hổm rày, bạn hàng ở TP. Hồ Chí Minh điện thoại thu mua, tôi đóng thùng lạnh gửi bằng xe khách lên đó. Nếu ngư dân có bao nhiêu con thì họ thu mua hết bấy nhiêu”.

Ngoài kia sông, nhiều chiếc xuồng lưới chạy ào ào vào bờ, bến chợ ngày càng nhộn nhịp. Cuộc gặp mặt chóng vánh giữa ngư phủ và tiểu thương chỉ trong phút chốc rồi chia tay. Chợ chưa tan, ngư phủ nhanh tay lái chiếc máy đuôi tôm quay về nhà để chuẩn bị cho một ngày mới.

LƯU MỸ