Xe đẩy trẻ em nếu sử dụng cẩn thận sẽ có thể dùng lại cho bé nhỏ hơn
Những thế hệ trước thường xuyên dặn dò, đồ của anh chị sẽ mặc cẩn thận, bảo quản để sau này các em mặc lại. Đó là do cuộc sống còn khó khăn, nhà đông con, phụ huynh khó lòng mua sắm đồ mới cho các con cùng lúc, nhất là vào ngày Tết, tựu trường. Dần dần, cả gia đình hình thành tư duy sử dụng, bảo quản đồ đạc hiệu quả, tiết kiệm. Ngoài ra, vẫn có quan niệm cho rằng, em mặc lại đồ của anh chị sẽ được “lấy hên”, “mau ăn chóng lớn”.
Dù cuộc sống đã thay đổi, nhưng mỗi giai đoạn lại có khó khăn riêng. Yếu tố kinh tế luôn là lý do hàng đầu để các bậc phụ huynh cân nhắc sử dụng lại đồ cũ, khi nhà có thêm em bé. Trẻ em lớn rất nhanh, quần áo, giày dép hay đồ chơi thường chỉ sử dụng một khoảng thời gian ngắn, trước khi chúng trở nên quá nhỏ hoặc không còn phù hợp. Việc mua sắm mới liên tục có thể trở thành gánh nặng tài chính đối với nhiều gia đình.
Chị Tiền (ngụ thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Tôi tiết kiệm được rất nhiều tiền nhờ cho con út dùng lại đồ của chị lớn. Thay vì phải mua mới toàn bộ, tôi chỉ cần thay thế những món đồ thật sự cần thiết, như: Bình sữa, tã…”.
Ngoài ra, đồ cũ đã qua sử dụng, nên cha mẹ có thể đánh giá được chất lượng, độ an toàn của chúng. Chị Loan (ngụ phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi thấy xe đẩy bé nếu xài kỹ, “tuổi thọ” của chúng khá cao. Có bé sinh cách anh chị tới 5 - 6 tuổi mà xe vẫn còn sử dụng tốt”.
Hơn nữa, việc dùng lại đồ cũ giúp trẻ em hiểu được giá trị của đồ vật, không đòi hỏi phải có đồ mới. Bé Hải Nhi (học sinh Trường Tiểu học Hàm Nghi, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) kể: “Con rất thích mặc đồ của chị, vì đồ còn khá mới và đẹp”.
Về mặt bảo vệ môi trường, việc tái sử dụng đồ cũ góp phần giảm thiểu lượng rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa và vải sợi. Theo các nghiên cứu, ngành công nghiệp thời trang hiện là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường nhất. Khi giảm thiểu mua sắm đồ mới, tức là người dân góp phần giảm bớt áp lực lên môi trường, tạo ra lối sống bền vững hơn.
Tuy nhiên, không phải lúc nào việc dùng lại đồ cũ cũng là lựa chọn tốt nhất. Một số món đồ có thể không phù hợp với con trẻ về mặt an toàn hoặc vệ sinh. Chẳng hạn, xe tập đi, nôi, cũi hoặc các thiết bị điện tử cũ không còn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn sau một thời gian dài sử dụng. Anh Việt, một người cha có 2 con ở TP. Châu Đốc, từng gặp phải trường hợp như vậy: “Tôi đã cho con út sử dụng lại xe tập đi của con lớn. Nhưng sau 1 lần kiểm tra, tôi phát hiện xe bị hư vài chỗ, không còn an toàn nữa”.
Về tâm lý, trẻ em cần cảm nhận sự đặc biệt, chăm sóc riêng dành cho mình. Việc sử dụng lại đồ cũ có thể ảnh hưởng đến việc phát triển và sự tự tin của trẻ, khiến trẻ cảm thấy mình không được quan tâm đúng mức hoặc kém hơn so với anh chị. Điều này đặc biệt quan trọng trong các giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ, khi chúng bắt đầu nhận thức về bản thân và môi trường xung quanh.
Việc sử dụng lại đồ cũ vừa tiết kiệm, vừa thể hiện sự san sẻ, yêu thương
Việc cho con sử dụng lại đồ cũ của anh chị là quyết định phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tình hình kinh tế gia đình, tình trạng của các món đồ và nhu cầu tâm lý của trẻ. Mỗi gia đình cần cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra quyết định phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình. Nếu cho con sử dụng lại đồ cũ, cha mẹ cần đảm bảo rằng những món đồ đó vẫn còn an toàn và phù hợp. Đồng thời, cần dành thời gian để giải thích, giúp trẻ hiểu được giá trị của việc tái sử dụng và lối sống bền vững.
Ngược lại, nếu điều kiện cho phép, việc mua sắm món đồ mới phù hợp với từng đứa con cũng là cách để cha mẹ thể hiện tình yêu và sự quan tâm. Chị Bé Thảo (một bà mẹ có 3 cô “công chúa”, ngụ phường Bình Khánh) vui vẻ kể: “Việc mặc lại đồ của chị thể hiện tình yêu thương, sự san sẻ giữa các con trong gia đình. Các bé rất ngoan, mẹ cho gì mặc nấy, không bao giờ đòi mua đồ mới. Tuy nhiên, vào ngày sinh nhật của mỗi bé hoặc khi bé đạt thành tích tốt trong học tập, tôi sẽ hỏi các bé thích gì, rồi ba mẹ mua tặng, như một cách khích lệ đối với từng bé”.
Điều quan trọng nhất vẫn là cân nhắc, lắng nghe nhu cầu của con cái, bởi mỗi đứa trẻ đều có quyền được chăm sóc và yêu thương theo cách riêng của mình.
B.G