Một ngôi nhà bị phá hủy sau vụ tấn công do các tay súng Lực lượng Dân chủ Đồng minh (ADF) tiến hành tại Mukondi, CHDC Congo ngày 10/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Đài phát thanh Okapi của CHDC Congo trích lời ông Marc Karna Soro - người đứng đầu văn phòng Ituri của Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại CHDC Congo (MONUSCO), cho hay đánh giá này liên quan đến các vùng lãnh thổ Djugu và Mahagi thuộc tỉnh Ituri ở phía Đông quốc gia trên.
Cũng về vấn đề trên, Đài phát thanh của LHQ (UN Radio) đưa tin ông Soro, người vừa trở về sau khi thực hiện nhiệm vụ ở phía Nam vùng lãnh thổ Irumu, tỉnh Ituri, đã thông báo về tình hình an ninh chung trong tỉnh. Theo đó, ông Soro cho biết 530 người đã thiệt mạng trong 2 tháng qua và hơn 1 triệu người phải di dời đang tập trung xung quanh các căn cứ khác nhau của MONUSCO.
Trong khi đó tại Nigeria, giới chức nước này cùng ngày cho hay đã có 85 người thiệt mạng và hơn 3.000 người phải sơ tán trong các cuộc đụng độ đang diễn ra giữa những người chăn nuôi và nông dân trồng trọt ở miền Trung nước này.
Bạo lực bùng phát hôm 15/5. Thống kê ban đầu cho thấy 30 người đã thiệt mạng tại bang Plateau, khu vực vốn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng sắc tộc và tôn giáo trong nhiều năm qua. Theo các nguồn tin và nhân chứng địa phương, một số ngôi làng ở quận Mangu của bang Plateau tiếp tục bị cuốn vào bạo lực trong ngày 18/5, buộc nhiều cư dân phải chạy trốn.
Cuộc khủng hoảng trên là một trong nhiều thách thức an ninh mà Tổng thống mới đắc cử của Nigeria Bola Tinubu phải đối mặt. Ông Tinubu sẽ chính thức nắm quyền lãnh đạo quốc gia đông dân nhất châu Phi này vào cuối tháng 5.
Theo Cơ quan Quản lý khẩn cấp quốc gia Nigeria (NEMA), hàng nghìn người đã phải sơ tán và hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy do bạo lực. Điều phối viên của NEMA tại khu vực trên, ông Eugene Nyelong nói: "Chúng tôi thống kê được tổng số 3.683 người phải sơ tán… Hơn 720 ngôi nhà bị phá hủy một phần hoặc hoàn toàn". Ông cho biết thêm hàng cứu trợ khẩn cấp đang được vận chuyển đến những người gặp khó khăn.
Theo TTXVN