Trên 8,3 triệu người đang cần viện trợ nhân đạo ở Somalia

09/02/2023 - 14:02

Ngày 8/2, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết trên 8,3 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo ở Somalia, nơi phần lớn dân số đang trên bờ vực của nạn đói.

Người dân chờ nhận hàng viện trợ tại một trại tị nạn ở Baidoa, Somalia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, OCHA cho rằng trong trường hợp không có đủ kinh phí và năng lực tăng cường, nạn đói có thể xảy ra từ tháng 4 đến tháng 6 ở các nhóm dân cư của các huyện nông thôn Baidoa và Burhakaba, cũng như trong số những người phải di dời ở Baidoa và cả ở thủ đô Mogadishu.

Trong báo cáo cập nhật mới nhất của mình về tình hình nhân đạo ở Somalia, OCHA cho biết người Somalia có nhiều nguy cơ bị đói, bệnh tật và dễ bị tổn thương hơn so với một năm trước, vì vậy nhiều người đang phải dựa vào hỗ trợ nhân đạo để tồn tại. Cơ quan này giải thích rằng ngay cả khi không có nạn đói, tình hình nhân đạo vẫn cực kỳ đáng báo động vì hơn 6,3 triệu người Somalia dự kiến sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ cao từ tháng 1 đến tháng 3, trong đó có 322.000 người ở mức thảm họa. Mức độ tử vong có thể cao như năm 2011, khi gần 260.000 người thiệt mạng, với ít nhất một nửa trong số đó là trẻ em.

Theo OCHA, cuộc khủng hoảng này là do lượng mưa thấp kỷ lục trong 4 mùa mưa liên tiếp vừa qua kết hợp với tình trạng xung đột dai dẳng, sự di dời của cư dân và giá lương thực cao, khiến hàng triệu người gặp rủi ro và đẩy người dân Somalia đến bờ vực của nạn đói. Văn phòng nhân đạo cũng lưu ý rằng đợt hạn hán hiện tại là dài nhất và nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm qua và đã vượt qua các đợt hạn hán năm 2010-2011 và 2016-2017. Ngoài ra, sự leo thang gần đây của cuộc tấn công quân sự chống lại nhóm khủng bố Shebab cũng làm gia tăng căng thẳng trong lĩnh vực chính trị và giữa các phe phái, tác động lớn đến tình hình nhân đạo, đặc biệt là sự gia tăng tình trạng di dời của cư dân.

OCHA cảnh báo sẽ có thêm 450.000 thường dân phải di dời do xung đột vào năm 2023 với những vấn đề về an ninh như sự ly tán của các thành viên trong gia đình, tấn công bừa bãi vào thường dân, hạn chế tự do đi lại, tuyển dụng cưỡng bức, bắt cóc và phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự. Cơ quan của LHQ tin rằng các hoạt động quân sự hiện tại một mặt sẽ tạo cơ hội mở rộng quyền tiếp cận các khu vực trước đây nằm dưới sự kiểm soát của Shebab, nhưng mặt khác cũng làm tăng nguy cơ mất an ninh toàn diện và suy giảm nghiêm trọng khả năng tiếp cận nhân đạo. Tình trạng không chắc chắn này sẽ buộc các đối tác nhân đạo phải linh hoạt hơn khi thực hiện các chương trình của họ để thích ứng với tình trạng mất an ninh ngày càng gia tăng.

Theo TRUNG KHÁNH (TTXVN)

 

Liên kết hữu ích