Trên cánh đồng mùa gặt

17/11/2024 - 09:24

 - Những ngày này, từ cánh đồng chân núi Ba Thê hay xã Vọng Đông (huyện Thoại Sơn) đến mảnh ruộng trải dài bạt ngàn cặp bờ kênh xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn) đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp không khí cười nói rôm rả của nông dân và thương lái.

Mùa gặt trên cánh đồng là mùa vui, bởi những tiếng í ới cười đùa của nông dân chân lấm tay bùn và nhân công bốc vác thời vụ hối hả với bao lúa nặng trịch trên vai. Xa xa là âm vang ầm ì của tiếng máy gặt đập liên hợp đang băng băng trên những cánh đồng. Chiều muộn, có dịp men theo những ngả đường dẫn về các cánh đồng sẽ thấy tấp nập xe cộ đến và đi. Dưới kênh, những chiếc ghe chành mũi đỏ của thương lái đậu san sát chờ cân lúa… tạo nên không khí sôi động của làng quê trù phú.

Với nông dân thì mùa nào cũng hối hả, nhưng có lẽ, mùa gặt là mùa vui nhất. Nhìn thấy lúa vàng óng là nhìn thấy sự no ấm, sung túc và đủ đầy. Vì thế, khi lúa được mùa, bán trúng giá thì không khí đồng áng càng vui vẻ hơn.

Ngày nay, việc canh tác lúa, nông dân đỡ vất vả hơn từ khâu sạ, rải phân, phun thuốc trừ sâu đến khi thu hoạch. Khi lúa chín vàng, thương lái neo đậu ghe chành mũi đỏ tận ruộng để cân lúa tươi cho nông dân.

Trên bờ đê, những bao lúa được vô bao cẩn thận chất thành hàng dài chờ cân cho thương lái.

Sau khi nông dân và thương lái đồng ý mua bán theo giá thỏa thuận thì lúa được nhân công khiêng lên cân. Lao động thời vụ là lực lượng chính vận chuyển những bao lúa nặng trịch từ điểm tập kết lên các ghe hàng chở đi các nơi. Mùa gặt cũng là mùa làm ăn chính của những lao động này.

Mỗi bao lúa có trọng lượng khoảng 50kg. Tuy nặng, nhưng đối với những lao động thời vụ đó không chỉ là công việc mà còn là niềm vui, bởi nhận tiền công kha khá, đủ trang trải cuộc sống gia đình trong mùa gặt.

Hạt lúa vàng óng như chứng minh cho sự cần mẫn của nông dân quần quật trên đồng suốt 3 tháng ròng để tạo ra sản phẩm hàng hóa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Sau khi lúa được đổ đầy ghe thương lái chở đi tiêu thụ.

Những chiếc máy gặt đập liên hợp đang gặt lúa trên đồng cho nông dân. Nhờ áp dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp mà nông dân đỡ vất vả hơn. Việc thu hoạch lúa hiện nay ít bị hao hụt và tốn nhân công hơn so với trước kia.

Giờ đây, việc thu hoạch lúa của nông dân rất tiện lợi. Chủ máy gặt đập liên hợp đảm nhận tất cả các khâu trên đồng. Khi lúa được vô bao, họ dùng chiếc xe tự chế “make in nông dân” chở mỗi chuyến khoảng 100 bao lúa, vận chuyển lên bờ đê rồi đưa xuống ghe chở đi tiêu thụ.

Thương lái đang cân lúa cho nông dân. Thời buổi công nghệ nên việc ghi chép cũng vì thế mà “hiện đại” hơn so với trước đây. Tất cả đều được thực hiện trên chiếc điện thoại di động.

Nông dân thu gom, sắp xếp bao đựng lúa cẩn thận để chuẩn bị cho việc vô lúa đợt tiếp theo.

Ngày nay, tận dụng nguồn phụ phẩm rơm rạ, nông dân thuê máy thu gom thành từng cuộn rồi bán cho nhà vườn trồng cây ăn trái hoặc trồng nấm rơm. Như vậy, với các chủ ruộng, ngoài chuyện tránh được việc đốt rơm rạ trên đồng, gây ô nhiễm môi trường mà còn có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

Tranh thủ những ngày cao điểm mùa gặt, anh Bảo (ngụ tỉnh Kiên Giang) chạy xe đi bán nước uống, phục vụ lao động trên các cánh đồng. Bình quân mỗi ngày, Bảo kiếm thu nhập khá từ 200.000 - 250.000 đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình và là động lực thôi thúc anh tiếp bước hành trình mưu sinh.

Hoàng hôn buông trên cánh đồng, nông dân tạm gác lại chuyện đồng áng trong niềm phấn khởi. Những ánh mắt, nụ cười trao nhau sau một ngày lao động nặng nhọc làm cho người ta thật an nhiên, bình dị ở làng quê. Mọi sự lo toan dường như tan biến để chuẩn bị cho một vòng quay mới bắt đầu.

NGUYÊN ANH