Trên chốt canh mùa lũ

23/11/2020 - 06:36

 - Những tháng nước tràn đồng, các chốt canh của lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) vẫn sừng sững vượt nắng, thắng mưa với mục tiêu thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa chống buôn lậu hiệu quả. Dù điều kiện còn khó khăn nhưng người lính quân hàm xanh luôn kiên cường bám chốt để đáp lại niềm tin của Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó.

Đầu tháng 10 âm lịch, nước lũ đồng xa vẫn còn tít tắp mênh mông. Thiếu tá Đào Hồng Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nhơn Hưng (Tịnh Biên) cùng tôi lên chiếc vỏ lãi lướt sóng ra thăm những anh em đang ngày đêm trên chốt. Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang cùng các cấp, ngành, những chốt canh biên giới đã được “kiên cố hóa” bằng gỗ nên vững chắc hơn so với lều bạt trước đây.

Ngồi trên vỏ lãi, tôi đưa mắt nhìn theo chỉ tay của thiếu tá Đào Hồng Nam. Do đoạn biên giới quản lý dài hơn 10,5km nên Đồn Biên phòng Nhơn Hưng phải bố trí 14 chốt canh với khoảng cách các chốt từ 300m - 500m. Nhìn từ xa, những chốt canh cứ như “mọc” lên trên nước lũ với ngọn cờ Tổ quốc phần phật bay trên mái.

Thiếu tá Nam chia sẻ, anh em hay gọi đó là “nhà giàn trên cạn”. Mà ngẫm lại thì giống thật! Những người lính biên phòng đã dựng lên một “vành đai xanh” trên màu phù sa của nước, để khẳng định chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc và tiếp tục cuộc chiến trường kỳ chống dịch và nạn buôn lậu qua biên giới.

“Nhà giàn” của lực lượng Bộ đội Biên phòng An Giang trong mùa lũ

Nơi tôi đến là chốt số 14 của Đồn Biên phòng Nhơn Hưng. Trung tá Nguyễn Chí Cường, Đội phó Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm (Đồn Biên phòng Nhơn Hưng), tiếp đón chúng tôi bằng lời chào thân mật nhưng đôi tay vẫn không quên việc bếp núc. Từ khi nước lũ tràn về cánh đồng giáp biên này, mấy anh em cứ quây quần trên “nhà giàn” để cùng nhau vượt nắng, thắng mưa hoàn thành nhiệm vụ.

Trung tá Cường chia sẻ: “Mấy tháng lũ về, công tác chống buôn lậu phức tạp hơn, bởi biên giới bây giờ là cánh đồng nước mênh mông. Các đối tượng buôn lậu sử dụng vỏ lãi để tuồn hàng qua biên giới gây nhiều khó khăn cho lực lượng BĐBP. Do đó, chúng tôi phải tập trung cao độ, đảm bảo phát hiện kịp thời mọi bất thường xảy ra trên tuyến biên giới!”.

Để hoàn thành nhiệm vụ, anh em trong tổ thay phiên canh gác ở những vị trí xung yếu trên tuyến biên giới. Nếu người này về chốt ăn cơm thì anh em khác sẽ đến thay để các đối tượng buôn lậu không thực hiện được hành vi của mình. Với dân câu lưới, lực lượng BĐBP tích cực tuyên truyền, vận động để họ không qua biên giới đánh bắt cá nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Trong không gian của “nhà giàn”, mọi thứ được sắp xếp đơn giản, ngăn nắp. Phía ngoài chốt, trung tá Cường bảo anh em kê mấy chậu đất nhỏ để trồng cây gia vị, bởi nước ngập mênh mông nên không thể trồng rau hay nuôi gà, nuôi vịt tăng gia như mùa khô được. Dù cuộc sống hơi bất tiện nhưng anh em đều xác định phải luôn hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ cao nhất.

Cũng suốt ngày gắn bó với “nhà giàn”, thiếu úy Lê Thạch Long và anh em ở chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 số 2 của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên thường hay câu cá để cải thiện bữa ăn. Dù vất vả nhưng anh em vẫn kiên quyết bám chốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Hiện nay, các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều thủ đoạn để qua mắt lực lượng BĐBP, như việc giả danh dân câu lưới để qua biên giới hay luồn lách theo những lùm cây nhằm tuồn hàng vào nội địa. Mùa khô, các đối tượng chỉ có thể đi theo đường mòn nhưng tới mùa lũ thì hoạt động của chúng phức tạp hơn. Do đó, anh em phải tập trung cao độ. Lãnh đạo BĐBP tỉnh và ban chỉ huy đồn cũng thường đến thăm hỏi, động viên nên anh em có thêm động lực hoàn thành nhiệm vụ”- thiếu úy Lương Thạch Long chia sẻ.

Đi cùng chuyến với tôi là thượng úy Nguyễn Phước Tới, Đội trưởng Đội phòng, chống ma túy và tội phạm (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên). Khi chúng tôi đang trò chuyện trên “nhà giàn” thì phía xa xuất hiện một chiếc vỏ lãi di chuyển về hướng biên giới. Lập tức, một chiến sĩ trẻ từ trên chốt thoát ngay xuống vỏ lãi, nổ máy phóng theo. Hiểu được thắc mắc của tôi, Phước Tới giải thích: “Ở biên giới là phải nhanh như vậy mới phản ứng kịp! Vì nhiệm vụ của BĐBP là kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới”.

Chia tay những người lính “quân hàm xanh” nơi biên giới khi ánh nắng chiều đã ngã bóng xuống mặt nước mênh mông, tôi càng hiểu rõ hơn sự hy sinh của các anh vì nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước đã giao. Mùa lũ rồi cũng sẽ đi qua nhưng những chốt canh nơi biên giới vẫn cứ sáng đèn mỗi đêm vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân!

Đại úy Phan Thanh Hồng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, thông tin: “Hiện đơn vị đã bố trí 18 chốt canh trên tuyến biên giới và 3 chốt cơ động bọc lót phía sau nhằm đảm bảo không sót lọt các đối tượng buôn lậu tuồn hàng vào nội địa. Trong đó, đơn vị đã bắt thành công 1 vụ vận chuyển 11,6kg cần sa khô qua biên giới vào ngày 11-11-2020. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm việc không xuất, nhập cảnh trái phép, đảm bảo an toàn trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp”.

 

THANH TIẾN