Trên dòng Bình Ghi

23/03/2024 - 10:19

Tại huyện An Phú (tỉnh An Giang), một nhánh nhỏ sông Hậu tách ra ở ngã 3, ôm dọc vùng đầu nguồn tiếp giáp Campuchia. Nhánh nhỏ ấy cũng chẳng nhỏ đâu, đủ rộng để ôm cuộc sống người dân địa phương vào lòng, mang tên gọi thân thương: Rạch Bình Ghi.

Rạch Bình Ghi chỉ dài ngót nghét 5km. Mùa này, lúa vàng trĩu nặng từ trên đồng ra đến sà lan, xuôi dòng đi tiêu thụ khắp nơi. 

Nhiều chủ phương tiện neo đậu ở một khúc rạch, chờ làm thủ tục tại trạm kiểm soát liên hợp đường sông, trước khi đưa nông sản xuất, nhập khẩu.

Phụ trách quản lý, bảo vệ biên giới toàn khu vực này là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang). Địa bàn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nên cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nắm chắc tình hình.

Men theo rạch là những chiếc bè cá nối tiếp nhau, tạo nên nét đặc trưng của vùng đầu nguồn Tây Nam Bộ. Sinh hoạt của người dân gắn liền với con nước, với nghề “bà cậu” tiếp nối đời này sang đời khác.

Mấy năm nay, chị Đỗ Thị Kim Thoa (33 tuổi) sống lắc lư trên chiếc bè cá mè hôi của cha mẹ, phụ giúp họ trông coi “tài sản” gia đình.

Vợ chồng chị cũng đã từng rời quê, đi làm công nhân xa xứ. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, chẳng đâu yên ổn bằng con rạch xứ mình. Vậy là họ trở về, tiếp tục trải cuộc đời mình theo dòng Bình Ghi, kiếm được bao nhiêu thì sống bấy nhiêu.

Cũng nương náu theo con nước trong xanh cả chục năm nay, ông Ba Danh (43 tuổi) chắt mót từng mớ cá mỗi ngày. Nhiều thì đem ra chợ bán, ít thì đủ bữa cơm.

“Hồi đó, cá 10 phần, giờ còn 2 thôi. Khi nước lên, cá nhiều hơn chút đỉnh. Không có vốn, tôi cứ túc tắc giăng lưới, sống qua ngày. Có hôm nước chảy, lùa mất tay cá, mất cả vốn liếng luôn” – ông kể, giọng điệu đã quá quen với bất trắc của nghề.

GIA KHÁNH