Tri ân người thầy!

19/11/2021 - 06:06

 - Tháng 11 lại về trong không khí hân hoan của cả nước hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), ngày mà cả xã hội tôn vinh sự cống hiến cao cả của các nhà giáo. Sự tôn vinh người thầy không chỉ nói lên truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam mà còn biểu thị niềm tin, lòng mong mỏi của toàn xã hội đối với các thầy cô giáo - những “kỹ sư tâm hồn”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tầm quan trọng của công tác giáo dục, đào tạo “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Với quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, ngày 28-9-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ký quyết định chọn ngày 20-11 là ngày Nhà giáo Việt Nam. Kể từ đó, ngày 20-11 hàng năm trở thành ngày hội truyền thống của toàn dân, chan hòa, thắm đượm nghĩa tình thầy - trò. Đây là dịp để mọi người và toàn xã hội tôn vinh nghề dạy học, một nghề mà như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.

Đã 39 năm qua, ngày 20-11 hàng năm luôn mang đến cho thầy cô giáo niềm hạnh phúc và tự hào với những giá trị được kết tinh từ truyền thống ngàn năm của dân tộc. Thầy cô có quyền hạnh phúc vì thầy cô giáo và ngành giáo dục nói chung luôn được Đảng, nhà nước và các cấp lãnh đạo dành tình cảm trân trọng, sự quan tâm và sẻ chia. Thầy cô có quyền tự hào vì người thầy trong xã hội Việt Nam từ bao đời nay là biểu tượng cao quý, tượng trưng cho trí tuệ, tài năng của xã hội. Dân ta vẫn nói “Không thầy đố mày làm nên”. Người thầy không chỉ đánh thức tiềm năng trong mỗi học sinh, khơi dậy và phát triển tri thức mà còn tôi luyện nhân cách để các em trở thành người có ích cho xã hội.

Trong giai đoạn đất nước phát triển, người thầy có sứ mệnh cao cả hơn, quyết định trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam, nâng hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì thế, nghề giáo luôn được coi là nghề cao quý. Càng cao quý hơn khi người thầy luôn biết vượt qua khó khăn trong mọi hoàn cảnh để gìn giữ và phát huy truyền thống; năng động, sáng tạo nâng cao giá trị nghề nghiệp.

Trao danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” cho các thầy cô giáo

Trong quá trình phát triển của tỉnh nhà, ngành giáo dục đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Đến nay, mạng lưới trường lớp cơ bản hoàn thiện đáp ứng nhu cầu học tập. Đội ngũ nhà giáo cơ bản đảm bảo về số lượng và chất lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn vững vàng. Việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá ngày càng thực chất hơn, kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm được tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế, kết quả đạt được duy trì ở mức cao…

Trong điều kiện phát triển nhanh chóng của nền kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế và thời đại công nghệ số, đặc biệt là sự đổi mới trong chương trình giáo dục, phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh… thì vai trò người thầy trong nhà trường càng được mở rộng. Thầy cô giáo không chỉ là nhà sư phạm mà còn nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn của nhà trường, đổi mới của xã hội và là tấm gương học tập suốt đời.

Thầy Võ Đình Hóa, (giáo viên Trường THPT Chuyên Thủ Khoa Nghĩa, TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) vừa được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú) cho biết: “Đội ngũ nhà giáo chúng tôi không ngừng tôi luyện phẩm chất đạo đức trong cuộc sống để vượt qua những giá trị vật chất, cám dỗ. Chúng tôi luôn kiên định với con đường, lý tưởng của Đảng và Bác Hồ đã chọn. Luôn giữ trong tim ngọn lửa yêu nghề, giữ vững phẩm chất cao quý của nhà giáo, sống mẫu mực, mô phạm, làm tấm gương cho học sinh noi theo”.

2 năm qua, ngành giáo dục cũng như tất cả các ngành, lĩnh vực khác phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong khó khăn ấy, nhớ lời Bác dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, ngành giáo dục và đào tạo An Giang luôn chủ động; các thầy cô không ngừng nỗ lực bằng trí tuệ và lòng yêu nghề, linh hoạt thích ứng với mọi điều kiện để mang đến kiến thức cho các em, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thị Ngọc Diễm cho biết, 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến tất cả hoạt động của các ngành, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh và Trung ương đã giúp ngành giáo dục và đào tạo An Giang vượt qua khó khăn, tiếp tục đạt được những kết quả nổi bật. Toàn ngành giáo dục sẽ không ngừng nỗ lực vượt qua thách thức, vượt qua đại dịch, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo…

Giáo dục đang từng ngày, từng giờ chứng kiến những sự đổi thay nhanh chóng trong điều kiện hội nhập và số hóa mạnh mẽ. Vai trò của nhà giáo đã và đang có sự chuyển dịch đáng kể trong một hệ sinh thái giáo dục linh hoạt hơn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, vinh dự người thầy rất lớn nhưng trọng trách cũng rất nặng nề, phải “khuôn vàng thước ngọc”, phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Sự tôn vinh người thầy không chỉ nói lên truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam mà còn biểu thị niềm tin, lòng mong mỏi của toàn xã hội đối với các thầy cô giáo. Tin rằng, mỗi thầy cô giáo sẽ không ngừng phấn đấu rèn luyện trau dồi đạo đức, tình yêu nghề, phong cách và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với vinh dự của “nghề cao quý”!

“Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay diễn ra trong bối cảnh tỉnh An Giang cùng cả nước nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19. Mặc dù năm học mới đã bắt đầu hơn 2 tháng, nhưng các thầy cô và các em học sinh không thể đến trường học trực tiếp, phải học tập bằng các hình thức linh hoạt khác với rất nhiều khó khăn. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi chia sẻ sâu sắc với những khó khăn và sự nỗ lực mà toàn ngành giáo dục đã và đang từng ngày phấn đấu để phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước khẳng định.

 

HỮU HUYNH