Huyện Tri Tôn được Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân vận động xây dựng trường học ở xã vùng sâu Vĩnh Phước
Dấu ấn nổi bật
Năm 2023, huyện Tri Tôn thực hiện đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra từ đầu năm. Trong đó có đến 14 chỉ tiêu vượt, đều là những chỉ tiêu quan trọng, như: Tổng giá trị sản xuất đối với một số ngành hàng 8.427 tỷ đồng; giá trị sản xuất gần 149,1 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình gần 57 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 2.686 tỷ đồng; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia 49,12% (28/57 trường); tỷ lệ lao động qua đào tạo 46,28%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,18%; có 7 bác sĩ trên 10.000 dân; quy mô dân số 117.400 người; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế 98,26%; tỷ lệ dân số nông thôn và thành thị được cung cấp nước sạch 89,93%; tỷ lệ cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn huyện hoàn thiện chính quyền điện tử 74%; phát triển 110 đảng viên mới (đạt 3,25% dân số). Ấn tượng là tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 161,58 tỷ đồng, đạt cao so chỉ tiêu thu 101,1 tỷ đồng. Trong khi đó, có 3 chỉ tiêu đạt là: 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (2 xã nông thôn mới nâng cao); 15 giường bệnh trên 10.000 dân; tỷ lệ che phủ rừng 38,01%.
Bí thư Huyện ủy Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện thắng lợi nghị quyết năm 2023 và chủ đề của năm về “Chăm lo cho quốc phòng - an ninh”. “Đến cuối năm 2023, huyện đã cơ bản thực hiện đạt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, dự kiến năm 2024 sẽ thực hiện hoàn thành tất cả 18 chỉ tiêu nghị quyết, “về đích” sớm hơn 1 năm so nhiệm kỳ 2020 - 2025” - Bí thư Huyện ủy Tri Tôn Cao Quang Liêm nhấn mạnh.
Dù vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của huyện Tri Tôn vẫn đạt 12,13%, tăng 0,58% so nhiệm kỳ trước. Tri Tôn để lại ấn tượng bởi sự đổi thay bộ mặt đô thị, nông thôn, hạ tầng giao thông, phát triển nhiều sản phẩm DL mới.
Biểu diễn môtô địa hình thu hút du khách
Điểm đến hấp dẫn
Năm 2023, UBND huyện Tri Tôn phối hợp Công ty TNHH Quản lý, Đầu tư và Phát triển môtô thể thao Việt Nam tổ chức chương trình biểu diễn môtô địa hình, thu hút 60 vận động viên chuyên nghiệp trên khắp cả nước tham gia. Tại sân đua bò huyện Tri Tôn (Khu Thể thao, Du lịch Tà Pạ - Soài Chek), khán giả hào hứng với những màn đua xe kết hợp kỹ năng, kỹ thuật điêu luyện để vượt qua các chướng ngại vật, như: Thân cây dừa, vỏ xe chất chồng lên cao, ụ đất, vũng nước lớn… tạo nên nhiều tiết mục mạo hiểm, hấp dẫn, kịch tính.
Vùng Tri Tôn, Tịnh Biên từ lâu nổi tiếng với Hội đua bò Bảy Núi – môn thể thao đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer chỉ có ở An Giang, thu hút hàng chục ngàn khán giả cả nước đến xem, cổ vũ hàng năm. Với chương trình biểu diễn môtô địa hình, huyện Tri Tôn đưa thêm vào “bộ sưu tập” những loại hình thể thao mạo hiểm lần đầu tiên tổ chức ở Bảy Núi - An Giang nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung.
Trước đó là các loại hình rất mới lạ, như: Biểu diễn dù lượn, diều lượn, máy bay mô hình, khinh khí cầu, thả diều nghệ thuật… được tổ chức vào các dịp lễ lớn, kết hợp các hoạt động văn hóa truyền thống Khmer (Tết Chol Chnam Thmay, lễ Sene Dolta…), tạo điểm nhấn DL hấp dẫn.
Huyện còn trưng bày, giới thiệu đặc sản, món ăn truyền thống nổi tiếng của địa phương, như: Gạo sữa Bảy Núi, đường thốt nốt, tinh dầu chúc, gà đốt Ô Thum, ếch nướng, đu đủ đâm, bò nướng, chè thốt nốt, thốt nốt sữa, bánh bò thốt nốt, bánh kà-tum, cháo bò, bánh canh... để du khách thưởng thức tại chỗ, mua về làm quà.
“Ăn theo” các khu, điểm DL, những vườn sinh thái mới nổi ở huyện miền núi Tri Tôn có sức thu hút đặc biệt. Các di tích lịch sử cách mạng, chùa Khmer với đặc trưng riêng cũng hấp dẫn du khách đến khám phá, tìm hiểu.
“Năm 2023, huyện Tri Tôn đón khoảng 1,1 triệu khách đến tham quan, DL, cao nhất từ trước đến nay. Điều đó cho thấy, việc đầu tư hạ tầng DL, hạ tầng giao thông phục vụ DL cùng các sản phẩm DL đang phát huy hiệu quả tốt. Năm 2024, huyện sẽ phối hợp tổ chức giải chạy marathon tầm quốc gia, tạo sự kiện thu hút vận động viên và du khách đến khám phá Tri Tôn. Huyện sẽ học tập kinh nghiệm, nghiên cứu xây dựng ấp Tô Thuận (xã Núi Tô) thành “Ấp du lịch Khmer chuẩn quốc tế”, với bản sắc văn hóa Khmer riêng, cùng với Khu Thể thao, Du lịch Tà Pạ - Soài Chek tạo điểm nhấn DL mới” - Bí thư Huyện ủy Tri Tôn Cao Quang Liêm thông tin.
Phát triển du lịch trên Phụng Hoàng Sơn
Động lực phát triển
Trong 2 mũi nhọn kinh tế mà Đảng bộ huyện Tri Tôn chọn để tạo đột phá phát triển, đều đang phát huy tác dụng. Nếu như DL đang tạo được dấu ấn thì nông nghiệp cũng phát huy được thế mạnh. Tổng diện tích gieo trồng cả năm 2023 của huyện đạt 121.569ha, tăng 4.946ha so năm 2022. Nông dân không chỉ “trúng mùa, trúng giá” lúa, mà rau màu, cây ăn trái cũng đạt nhiều kết quả. Nông dân canh tác rau màu ở các xã: Vĩnh Phước, Lạc Quới, Núi Tô... có thu nhập khá. Ở xã Tân Tuyến, sản phẩm nhãn Ido đã được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); các trang trại trồng chuối cấy mô ở xã Vĩnh Phước, Vĩnh Gia, Lương An Trà, Tân Tuyến... được các DN ở TP. Hồ Chí Minh liên kết thu mua xuất khẩu.
Tiềm năng nông nghiệp của huyện Tri Tôn được nhiều DN quan tâm đầu tư. Các dự án lớn, như: Nhà máy gạo Hạnh Phúc, trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa TH True Milk... đang tiếp tục được triển khai. Với sự đầu tư của Tập đoàn THACO, đàn heo giống, heo thịt công nghệ cao đang phát triển nhanh.
Mới đây, Công ty TNHH Nông nghiệp Vạn Phúc Hưng triển khai đầu tư phát triển 57ha bắp ủ chua làm thức ăn chăn nuôi tại xã Vĩnh Phước. Đối với rau màu và cây ăn trái, Công ty TNHH HAEJU FARM liên kết tiêu thụ 3ha ớt Hàn Quốc ở xã Tân Tuyến; Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang liên kết 10ha rau tần dày lá; Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ liên kết 12ha chanh không hạt…
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đang đẩy mạnh triển khai vùng nguyên liệu lúa, bởi Tri Tôn là địa phương trọng điểm trong vùng Tứ giác Long Xuyên tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
Cùng với phát huy vai trò Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Tri Tôn và các HTX mà Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tham gia góp vốn, nhân sự điều hành, huyện tích cực hỗ trợ DN thành lập các HTX mới để tham gia đề án, xem đây là cơ hội bứt phá đưa Tri Tôn phát triển.
Thời gian tới, khi các tuyến Đường tỉnh trọng yếu, như: 941, 943, 945, 948, 949, 955B, 949… cùng các Hương lộ 80, 81 được đầu tư hoàn chỉnh, kết hợp các tuyến đường nội ô được nâng cấp, xây dựng sẽ tạo kết nối toàn diện để Tri Tôn phát triển thương mại, dịch vụ, DL và thu hút đầu tư, vươn lên thoát khỏi danh sách huyện nghèo cả nước. |
NGÔ CHUẨN