Tri Tôn phát huy lợi thế nông nghiệp

04/05/2020 - 04:09

 - Trong khi nhiều địa phương khác rất khó mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp thì Tri Tôn (An Giang) vẫn còn khả năng tăng diện tích. Huyện còn có lợi thế thu hút đầu tư những dự án nông nghiệp lớn, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Tận dụng cơ hội lúa

Vụ lúa đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh xuống giống 229.392ha lúa, đạt 97,53% kế hoạch, giảm 4.281ha so vụ đông xuân 2018-2019. Trong khi hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều có diện tích xuống giống lúa giảm thì Tri Tôn là địa phương duy nhất có diện tích xuống giống tăng hơn cùng kỳ.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn cho biết, vụ lúa đông xuân 2019-2020, nông dân trên địa bàn huyện đã xuống giống được 41.198ha lúa, đạt 100,3% kế hoạch (41.094ha), tăng 376,8ha so vụ đông xuân 2018-2019. Nguyên nhân tăng là do huyện chuyển từ diện tích đất lâm nghiệp và nền đất lúa mùa trên sang canh tác lúa đông xuân.

Trong đó, các giống lúa OM chiếm cao nhất với 14.393,6ha (chiếm gần 35% diện tích); Đài Thơm 8 đạt 10.596,5ha (chiếm 25,72%); IR50404 đạt 8.746,5ha (21,23%); nếp 4.978ha (12,1%); AGPPS 950ha (2,3%); Jasmine 809ha (1,96%); Japonica 110ha (0,27%)…

Phát triển vùng trồng chuối cấy mô ở huyện Tri Tôn

Không chỉ diện tích tăng mà năng suất lúa vụ đông xuân cũng đạt 7,17 tấn/ha, tăng 0,45 tấn/ha so cùng kỳ; sản lượng đạt 295.220 tấn, tăng 20.816 tấn. Nếu như đầu vụ, giá lúa ở mức bình thường thì đến giữa vụ, nông dân bán được giá cao.

Cụ thể, giá lúa IR50404 bán tại ruộng (lúa tươi) từ 4.700 - 4.800 đồng/kg (cao hơn cùng kỳ 200 - 300 đồng/kg); lúa Đài Thơm 8, OM5451… từ 5.300 - 5.600 đồng/kg (cao hơn cùng kỳ 500 - 600 đồng/kg).

Tận dụng thời cơ giá lúa xuất khẩu cao, giá lúa nguyên liệu tốt, vụ hè thu 2020, Tri Tôn lên kế hoạch xuống giống 44.483,9ha lúa, cao hơn vụ đông xuân. Đến nay, nông dân đã cơ bản xuống giống gần dứt điểm diện tích.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, địa phương đang khẩn trương triển khai 14 công trình chống hạn và nạo vét các tuyến kênh với tổng kinh phí 8,48 tỷ đồng. Đồng thời, đề xuất bổ sung kinh phí cho huyện thực hiện 14 công trình ưu tiên chống hạn và xâm nhập mặn năm 2020, với tổng kinh phí gần 7,49 tỷ đồng.

Với hệ thống đê bao toàn huyện dài gần 1.126,4km (gồm 173 tiểu vùng, 684 công trình) cùng 267 công trình kênh dài gần 910km, Tri Tôn cũng có điều kiện mở rộng diện tích vụ thu đông 2020 để tận dụng cơ hội đáp ứng nhu cầu lương thực tăng.

Hướng đến công nghệ cao

Cùng với cây lúa, Tri Tôn còn khuyến khích nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi sang cây ăn trái nhằm tăng giá trị trên cùng diện tích. Ông Đỗ Minh Trí cho biết, đến nay, tổng diện tích trồng cây ăn trái toàn huyện đạt 1.460ha, tăng 14ha so cùng kỳ.

Trong đó, xoài 674ha, chuối 509ha (riêng chuối cấy mô 253ha, gồm trang trại của các công ty: Vĩnh Phát 150ha, SD 60ha, Xanh Việt 43ha), quýt 33,7ha, bưởi 26,2ha, cam 22,2ha… Hiện nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, giá bán chuối, xoài có giảm nhưng dự báo sẽ tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát, xuất khẩu khơi thông trở lại.

Đối với diện tích ruộng trên thường xuyên thiếu nước, canh tác lúa không hiệu quả, Tri Tôn đang chuyển hướng hợp tác với Tập đoàn Tín Thành triển khai Dự án cây cao lương. “Huyện đang triển khai thí điểm Dự án cây cao lương tại 2 xã Lạc Quới và An Tức với quy mô 5.000m2/xã (xã An Tức xuống giống ngày 21-2, còn xã Lạc Quới xuống giống ngày 28-2-2020).

Hiện nay, cây cao lương phát triển tương đối tốt, đang được các chuyên gia Tập đoàn Tín Thành theo dõi, chăm sóc. Huyện đã quy hoạch 1.981ha ở các xã: Núi Tô, Tà Đảnh, Tân Tuyến, Cô Tô để phục vụ Dự án nhà máy điện sinh khối giai đoạn 1 (2 tổ hợp 30MW tại xã Núi Tô)” - ông Trí thông tin.

Việc thu hút đầu tư dự án cây cao lương được kỳ vọng sẽ tạo đột phá mới cho diện tích vùng cao Bảy Núi. Theo đánh giá của Tập đoàn Tín Thành, cây cao lương (còn gọi cao lương ngọt) là loại cây trồng ngắn ngày, thích hợp với khí hậu nhiệt đới và có thể sản xuất ra 8 loại sản phẩm hàng hóa khác nhau gồm: ngũ cốc, syrup, ethanol, điện sinh khối, thức ăn gia súc, phân compost hữu cơ vi sinh, CO2 công nghiệp, nuôi bò thịt và CO carbon. Loại cây trồng này tạo ra giá trị gia tăng rất cao so với giá trị sản xuất đất vùng cao hiện tại.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Tri Tôn đã thu hút được Công ty TNHH Giống - Chăn nuôi Việt Thắng An Giang đầu tư 2 trại nuôi heo giống chất lượng cao, gồm: trại Lương An Trà với quy mô 5.500 con, trại Lương Phi với quy mô 1.500 con. Huyện Tri Tôn đã phối hợp các sở, ngành khảo sát khu đất 20ha ở ấp Ninh Phước (xã Lương An Trà), chuẩn bị hoàn tất các thủ tục để Tập đoàn CP thuê xây dựng trại nuôi 12.000 con heo và 750.000 con gà theo hướng công nghệ cao.

Sắp tới, tỉnh sẽ bàn giao quỹ đất 178ha tại xã Vĩnh Gia (Tri Tôn) để Tập đoàn TH triển khai xây dựng một trong những trang trại chăn nuôi bò sữa và nhà máy chế biến sữa công nghệ cao lớn nhất cả nước. Dự án không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân liên kết trồng cỏ và nuôi bò, mà còn kỳ vọng tạo ra bước ngoặt mới trong phát triển nông nghiệp của huyện Tri Tôn.

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích