Tri Tôn phát huy truyền thống anh hùng

30/04/2025 - 06:34

 - Tri Tôn là vùng đất anh hùng, có nhiều hy sinh, mất mát cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Hiện nay, huyện đã và đang phát huy tiềm năng, thế mạnh; tích cực chăm lo người có công, gia đình chính sách.

Bí thư Huyện ủy Tri Tôn Lâm Thành Sĩ thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thành Cư

Vùng đất anh hùng

Tri Tôn là huyện vùng núi, dân tộc, tôn giáo, biên giới, có vị trí quan trọng trong sự nghiệp mở đất và giữ đất của người dân An Giang. Trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Tri Tôn là vùng căn cứ địa cách mạng, là địa bàn đầu cầu của đường hành lang chiến lược về miền Tây Nam bộ, nên bị kẻ thù đánh phá vô cùng ác liệt. Nơi đây còn là cái nôi cách mạng chịu nhiều mất mát, hy sinh.

Trong 2 cuộc chiến tranh chống thực dân, đế quốc, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và Nhân dân Tri Tôn đánh trên 1.630 trận lớn nhỏ, giành nhiều thắng lợi rất quan trọng. Tiêu biểu có trận cầu sắt Vĩnh Thông; đồi Tức Dụp huyền thoại 128 ngày đêm được Trung ương Cục miền Nam tặng 8 chữ vàng “Kiên cường bám trụ, giữ vững Núi Tô”. 

Sau năm 1975, Tri Tôn là huyện khó khăn hơn tất cả địa phương khác trong tỉnh. Vết thương chiến tranh cũ chưa lành, lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh mới chống quân diệt chủng Pol Pot, giữ vững biên giới Tây Nam. Nhà mồ Ba Chúc vừa là minh chứng cho tội ác của quân diệt chủng, vừa là chứng tích cho những mất mát của Tri Tôn.

Ngày 20/12/1994, Đảng bộ và nhân dân huyện Tri Tôn vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là sự ghi nhận xứng đáng của Nhà nước đối với đóng góp to lớn của huyện anh hùng. Hiện nay, toàn huyện có 5 xã, thị trấn anh hùng, gồm: Thị trấn Ba Chúc, xã Lương Phi, xã Ô Lâm, An Tức, Cô Tô; có 10 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 89 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 4.027 gia đình có công với cách mạng, 984 liệt sĩ, hơn 700 thương binh, bệnh binh. Trên địa bàn huyện còn 11 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa được xếp hạng.

Huyện Tri Tôn luôn quan tâm công tác chăm lo cho người có công

Tiếp bước đi lên

Đi qua nỗi đau chiến tranh, kế thừa truyền thống anh hùng, bất khuất của thế hệ cha ông, Đảng bộ, chính quyền huyện Tri Tôn đã đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động, tập trung phát triển kinh tế - xã hội; chăm lo y tế - giáo dục; ổn định quốc phòng – an ninh. Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Bé Tám cho biết, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, địa phương tập trung vào 4 ngành mũi nhọn: Nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, du lịch, thương mại và dịch vụ. 

Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, trong những năm qua, huyện Tri Tôn gặt hái được quả “ngọt” trên tất cả lĩnh vực; các chỉ số tăng trưởng kinh tế - xã hội năm sau cao hơn năm trước. Năm 2024, tổng giá trị sản xuất (GO) giá so sánh 2010 tăng 9,59%; giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản đạt gần 157 triệu đồng/ha; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 61,2 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 2%... 

Tổng giá trị sản xuất (GO) giá so sánh quý I/2025 đạt gần 1.276 tỷ đồng, tăng 1,41% so mục tiêu đề ra. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt gần 160 tỷ đồng; khu vực công nghiệp, xây dựng đạt trên 1.116 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) đạt gần 2.216 tỷ đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt gần 700 tỷ đồng. Hoạt động văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao, giáo dục, y tế và an sinh xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đặc biệt, công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng luôn được quan tâm, thực hiện.

Hàng năm, vào các dịp Tết, kỷ niệm ngày lễ lớn trong năm, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN các cấp huyện Tri Tôn tổ chức đến thăm, tặng quà cho Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, người có công. Tại buổi thăm hỏi, lãnh đạo huyện, địa phương tri ân đóng góp của các gia đình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

ĐỨC TOÀN