Tri Tôn thay “áo mới” cho chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19

11/11/2020 - 06:33

 - Được UBND tỉnh An Giang hỗ trợ kinh phí xây dựng kiên cố 17 chốt biên giới trên địa bàn, lãnh đạo huyện Tri Tôn đã tập trung chỉ đạo huy động lực lượng đóng góp ngày công thiện nguyện, xây dựng thêm nhà vệ sinh, bếp ăn, tạo thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) sinh hoạt, nghỉ ngơi. Từ đó, tăng cường tính hiệu quả trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Chốt biên giới cố định giúp cán bộ, chiến sĩ yên tâm bám chốt

Quan tâm đến từng chi tiết nhỏ

Huyện Tri Tôn có tuyến biên giới dài 15,5km tiếp giáp với huyện Kirivong (tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia). Trước sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, cùng với các tuyến biên giới khác khắp cả nước, 17 chốt tạm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã được dựng lên trên tuyến biên giới Tri Tôn. Vượt qua khó khăn, vất vả do thời tiết khắc nghiệt, cơ sở vật chất tạm bợ, các CBCS vẫn đảm bảo trực chốt 24/24 giờ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là cần xây dựng chốt kiên cố hơn, cải thiện điều kiện vật chất tại các chốt nhằm đảm bảo sử dụng lâu dài.

Vấn đề này được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới. UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí xây dựng các chốt bán kiên cố trên toàn tuyến biên giới tiếp giáp với Campuchia. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và người dân, 17 chốt canh gác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên tuyến biên giới của huyện Tri Tôn (thuộc 2 xã Lạc Quới và Vĩnh Gia) đã cơ bản xây dựng xong. Mỗi căn đươc cất theo kiểu nhà sàn vượt lũ, có diện tích 20m2, khung gỗ tràm, vách và mái làm bằng tole, kinh phí xây dựng khoảng 30 triệu đồng.

Đồng hành với sự hỗ trợ của tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm đã dẫn đầu đoàn công tác đến khảo sát các chốt, đồng thời chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các ngành và 15 xã, thị trấn để bàn giải pháp hỗ trợ cơ sở vật chất thêm cho các chốt này. Qua đó, đảm bảo điều kiện ăn nghỉ, sinh hoạt, tạo thuận lợi nhất cho các CBCS thực hiện tốt nhiệm vụ canh gác, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua lại biên giới để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng như các loại tội phạm buôn lậu, ma túy khác.

Ông Cao Quang Liêm đã chỉ đạo mỗi xã, thị trấn phụ trách việc xây dựng thêm bếp ăn và nhà vệ sinh cho 1 chốt biên giới; riêng 2 xã biên giới Vĩnh Gia và Lạc Quới phụ trách 2 chốt/xã. Các địa phương có thể vận động đoàn viên, hội viên, các tổ cất nhà từ thiện tiến hành xây cất, đảm bảo chi phí thấp nhất nhưng chất lượng phải đạt cao nhất. Yêu cầu tối thiểu là các chốt và công trình phụ trợ phải được dựng bằng khung tiền chế, đảm bảo sử dụng lâu dài, chống chọi tốt với điều kiện thời tiết nắng, mưa, giông, lũ vùng biên giới. Một phần kinh phí xây dựng công trình phụ trợ cho các chốt sẽ được UBND huyện cấp, số còn lại sẽ do các xã, thị trấn tự vận động xã hội hóa.

Người dân đồng hành

Tại 2 xã Lạc Quới và Vĩnh Gia, không khí xây dựng các chốt biên giới và công trình phụ trợ rất khẩn trương, nhộn nhịp dù việc vận chuyển vật tư, công cụ không hề dễ dàng. Mùa mưa, các tuyến đường đất sét dọc tuyến biên giới trở nên lầy lội, trơn trượt. Hai Đồn Biên phòng Lạc Quới và Vĩnh Gia đã phối hợp chính quyền địa phương sử dụng xe “cải tiến” để chở vật tư ra xây dựng chốt. Các địa phương còn vận động doanh nghiệp, người dân nấu cơm cho những người tham gia xây dựng chốt 2 buổi ăn/ngày.

Tại xã Vĩnh Gia, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) xã đã cử khoảng 10 thân bằng, đồng đạo chuyên cất nhà từ thiện hỗ trợ cùng CBCS cất đủ 8 chốt kiểm soát trên địa bàn xã. “Thấy được khó khăn, vất vả của các CBCS ở các chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên tuyến biên giới nên khi nhận được đề nghị hỗ trợ của UBND xã và Đồn Biên phòng Vĩnh Gia, Ban Trị sự PGHH xã đã bàn bạc, thống nhất chọn những anh em đồng đạo có kinh nghiệm cất nhà từ thiện hỗ trợ ngày công để cất các chốt sớm nhất có thể” - Trưởng ban Trị sự PGHH xã Vĩnh Gia Nguyễn Văn Hữu chia sẻ.

Hàng ngày, luôn có trên 30 CBCS Đồn Biên phòng Vĩnh Gia cùng các thành viên do Ban Trị sự PGHH xã cử tham gia xây cất chốt và các công trình phụ trợ (nhà vệ sinh, bếp ăn). Do số lượng chốt nhiều nên không khí xây dựng rất khẩn trương. Mỗi người chia mỗi việc, thực hiện từng công đoạn: đo kích thước, cắt cây làm cột, đào hố chôn cột, cân mực nước, ráp khung tiền chế, cắt tole, lợp mái, dừng vách…

Thượng tá Trần Đỗ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Gia thường xuyên có mặt từ sáng sớm để chỉ đạo, đốc thúc các CBCS đẩy nhanh công việc, đảm bảo đúng tiến độ xây dựng chốt. “Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang, Đồn Biên phòng Vĩnh Gia đã chủ động phối hợp Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Gia lên kế hoạch tổ chức cất các chốt kiểm soát biên giới một cách nhanh nhất có thể và tranh thủ sự hỗ trợ từ tuyến sau như: Ban Trị sự PGHH xã hỗ trợ nhân lực, các nhà hảo tâm trong xã nấu cơm, nước phục vụ ăn uống trong quá trình cất các chốt” - thượng tá Trần Đỗ thông tin.

Tại xã Lạc Quới, các CBCS Đồn Biên phòng Lạc Quới cùng người dân địa phương, tín đồ PGHH tham gia xây dựng các chốt biên giới. Nhờ vậy, đã nhanh chóng thay “áo mới” cho các chốt tạm trước đây. Những bếp ăn và nhà vệ sinh do huyện Tri Tôn và các xã, thị trấn vận động xây tặng càng tạo thuận lợi và động lực để các CBCS yên tâm bám chốt, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 trên tuyến đầu.

 

NGÔ CHUẨN