Tỉnh An Giang phấn đấu đến năm 2025, trên 70% xã, phường, thị trấn và người dân được tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Đồng thời, tập huấn chuyên sâu và bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống ma túy cho người làm công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy; hướng dẫn trình tự, thủ tục cai nghiện tự nguyện, lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, công tác quản lý sau cai nghiện ma túy. Rà soát, thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy tại địa phương để quản lý, theo dõi, có kế hoạch giúp đỡ, tư vấn, dạy nghề, giải quyết việc làm.
Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự của cơ sở cai nghiện công lập đáp ứng nhu cầu cai nghiện; xây dựng đề án, bổ sung nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị cai nghiện bắt buộc cho người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ma túy không còn phù hợp, đề xuất HĐND, UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới thay thế, đảm bảo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và Luật Phòng, chống ma túy năm 2021…
Nhóm thiếu niên bị bắt cùng chất ma túy
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang tuyên truyền sâu rộng đến các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, đến từng cán bộ khóm/ấp, người dân, nhất là ở khu dân cư phức tạp về tệ nạn ma túy. Việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng: Trên phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền nhóm, pa-nô, áp-phích, in ấn tài liệu, hội thảo, tọa đàm, tổ chức hội thi, cuộc thi vẽ tranh chủ đề về ma túy, hội diễn văn nghệ quần chúng...
Bên cạnh đó, Sở Y tế hướng dẫn chuyên môn về xác định tình trạng nghiện ma túy; phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng giải pháp, phương án bổ sung đội ngũ bác sĩ cho phòng y tế (thuộc cơ sở cai nghiện công lập đủ điều kiện thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy). Xây dựng phương án điều động, biệt phái bác sĩ đến làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; tăng cường công tác cai nghiện tập trung, cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và tại cơ sở cai nghiện ma túy.
UBND tỉnh phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị có liên quan để cung cấp thông tin, trang bị kiến thức chung cho cộng đồng dân cư hiểu được nguyên nhân, hệ lụy và hậu quả của việc sử dụng trái phép chất ma túy. Nghiên cứu tổ chức các mô hình sinh hoạt câu lạc bộ để tư vấn, chia sẻ thông tin, trang bị kiến thức, kinh nghiệm cai nghiện ma túy cho người có nhu cầu.
Duy trì, chuyển đổi, nhân rộng mô hình “Điểm tư vấn hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng” được thí điểm tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Tổ chức điều trị bằng thuốc thay thế methadone cho người nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy; tiếp nhận và xử lý thông tin tội phạm về ma túy; kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy theo thẩm quyền. Tăng cường thụ lý hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; xem xét quyết định trường hợp miễn, giảm, tạm đình chỉ, hoãn chấp hành thời hạn quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
Để kế hoạch được triển khai hiệu quả và thiết thực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ, đồng bộ; nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến luật phải sát với thực tiễn, phù hợp với từng địa phương, đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, cơ quan chủ trì hoặc tham gia phối hợp phải tích cực, chủ động, kịp thời và thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy.
NGUYỄN HƯNG