Ông Ngô Hoàng Sơn là đời thứ 4 trong dòng họ làm nghề rèn. Ông Sơn kể, nghề rèn có từ thời ông cố ngoại. Qua bao đời, từ ông ngoại đến 2 người cậu ruột rồi đến ông, ngọn lửa lò rèn vẫn cháy không ngơi. “Bén dao là do cặp thép chuẩn, chui già… phải vậy dao mới bén, bán được giá” - ông Sơn vừa cười vừa nói, đôi mắt ánh lên niềm tự hào. Câu nói tưởng chừng đơn giản ấy lại là nghệ thuật, mà chỉ người trong nghề mới hiểu bởi một con dao rèn truyền thống không chỉ là vật dụng, mà là kết tinh của kỹ thuật, thời gian, lửa, mồ hôi và… tình yêu nghề.
Ông Sơn kể, hồi nhỏ nhà ông nghèo, học đến lớp 9 phải nghỉ vì không có tiền mua xe đạp ra Rạch Sỏi học tiếp. Từ năm 10 tuổi, ông theo cậu nhóm lò, đập búa nhỏ rồi lớn hơn đập búa to, học từng công đoạn từ đàn, gọt, sửa hình đến mài bén. Đến năm 18 tuổi, ông mới rèn được con dao hoàn chỉnh đầu tiên. “Nghề này cực lắm nhưng cậu tôi nói mày không có nghề phải bám nghề rèn để sau này còn nuôi vợ con” - ông Sơn nhớ lại.

Ông Ngô Hoàng Sơn và con trai rèn dao cho khách
Lò rèn của ông Sơn được công nhận là nghề truyền thống năm 2019 nhưng với ông, danh hiệu đó không bằng việc mọi người đặt hàng đều đều, xài rồi quay lại rèn tiếp. Mỗi ngày, cha con ông Sơn rèn từ 4 - 6 sản phẩm, đủ loại nông cụ từ dao xắn khóm, dao móc cau, dao móc lá, búa, cuốc, kéo… Mỗi sản phẩm mất gần nửa ngày để hoàn thành, giá dao từ 200.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng. “Tôi làm không kịp bán. Dịp Tết, người dân ở Phú Quốc đặt dao xẻ cá nhiều. Dao lò tôi làm khác hàng chợ, xài là biết liền” - ông Sơn nói.
Cũng như bao nghề thủ công khác, rèn dao đòi hỏi tỉ mỉ, sức khỏe và kinh nghiệm. Từ chọn thép vỏ đạn nhập từ Sài Gòn đến cắt sắt, đo phôi, chẻ, nung đỏ lửa than cây tràm rồi gõ, sửa, tạo hình, chui cán bằng gỗ mù u, mài vuông, bắt giũa… mỗi khâu là một mắt xích. Cuối cùng là mài bén, công đoạn quyết định chất lượng lưỡi dao.
Ông Sơn có người con trai duy nhất là anh Ngô Hoàng Hà cũng theo nghề cha. Từng có thời gian đi làm thuê nhưng Hà nhanh chóng trở về lò rèn vì nhớ nhà, nhớ nghề. Anh Hà nói: “Chắc tôi theo nghề này luôn chứ không có chuyển nghề nữa. Tôi làm nghề quen như là hơi thở vậy”. Nhờ sự trợ giúp của con trai và vài thợ phụ, trung bình mỗi ngày lò rèn của ông Sơn thu nhập 1 - 2 triệu đồng, trừ chi phí lời từ 500.000 - 800.000 đồng. Ông Sơn nói: “Nghề này không giàu nhưng sống được và quan trọng là giữ được nghề của ông bà”.
Không chỉ giữ nghề, ông Sơn còn là Bí thư Chi bộ ấp Gò Đất từ năm 2000 đến nay. Gương mẫu trong lao động, ông là người góp phần giữ lửa cho một nghề đang dần mai một. Rất nhiều người dân trong vùng và các tỉnh lân cận trở thành khách ruột của lò rèn Gò Đất. Ông Lâm Thiện Đức, ngụ xã Định An cho biết: “Tôi xài dao, búa chỗ ông Sơn rèn nhiều năm rất bền, 5 - 10 năm mới rèn lại. Dao ngoài chợ chặt gà có khi méo lưỡi, dao ông Sơn thì thép bọc sắt, xài bén mà lâu cùn”.
Không ồn ào quảng bá, không cần đến mạng xã hội, lò rèn Gò Đất vẫn tồn tại bền bỉ bằng chất lượng và uy tín. Người tìm đến ông Sơn vì tin, người quay lại vì nhớ. Và những lưỡi dao bén ngọt nơi đây không chỉ để chẻ cau, cắt khóm, mà còn giữ cho ngọn lửa nghề xưa vẫn âm ỉ cháy...
ĐẶNG LINH