Vực dậy tiềm năng
Được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam và Campuchia, UBND tỉnh An Giang phối hợp Tòa Hành chính tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia) vừa tổ chức Lễ công bố mở mới Cửa khẩu Quốc tế đường bộ Vĩnh Xương và hợp nhất Cửa khẩu Quốc tế đường sông Vĩnh Xương thành Cửa khẩu Quốc tế đường bộ, đường sông Vĩnh Xương - Kaorm Samnor. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với nhân dân và chính quyền 2 nước, 2 địa phương có chung đường biên giới, kể cả khách du lịch (DL) của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương cao hơn kim ngạch nhập khẩu
Hiện nay, DL trở thành ngành công nghiệp không khói, du khách ở các quốc gia trên thế giới rất thích tìm hiểu nền văn hóa phương Đông, nhất là các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Các tour DL ngày nay đa phần vận chuyển bằng đường hàng không và đường bộ (vì rút ngắn được thời gian vận chuyển). Việc mở mới Cửa khẩu Quốc tế đường bộ Vĩnh Xương sẽ vực dậy tiềm năng DL ở vùng đất này. Đồng thời, mở ra triển vọng lớn trong phát triển nền nông nghiệp, công nghiệp và DL; phát triển các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm từ các làng nghề truyền thống địa phương.
Bà Trịnh Thị Lan (ngụ ấp 2, xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) cho biết, những ngày qua, gia đình bà rất vui mừng, phấn khởi vì Chính phủ 2 nước đồng ý cho mở mới Cửa khẩu Quốc tế đường bộ Vĩnh Xương và hợp nhất Cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương... Bởi khi đường bộ là cửa khẩu quốc tế thì du khách đi qua cửa khẩu này sẽ “thích hơn” bởi vận chuyển nhanh hơn đường sông.
“DL phát triển, người dân vùng biên giới này sẽ được hưởng lợi từ các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, bán đặc sản địa phương, như: Khô, mắm, tơ lụa, bánh bò; các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Chăm…” - bà Trịnh Thị Lan phấn khởi.
Lực lượng biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương kiểm soát chặt người qua lại biên giới
Cửa khẩu Quốc tế đường bộ, đường sông Vĩnh Xương có lợi thế quan trọng, đó là kết nối với các đô thị trong vùng Tây Nam Bộ, như: TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang), TP. Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh, kể cả các tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ.
Vì vậy, hàng hóa của các tỉnh trong vùng sẽ được nhanh chóng đưa lên biên giới để xuất khẩu sang Campuchia và các nước trong khu vực ASEAN, mở ra triển vọng lớn để vực dậy thế mạnh của vùng, trong đó có thế mạnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, DL.
Kết nối giao thương
Đón đầu trong cơ hội phát triển này, những năm qua, Chương trình phát triển kinh tế biên giới của An Giang được Chính phủ đồng ý, cho phép tỉnh triển khai thực hiện. Chương trình trở thành một trong những chương trình mang tính trọng điểm để An Giang vực dậy tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Từ việc xác định đó, nhiều năm qua, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, An Giang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống giao thông từ các huyện, thị xã, thành phố ra biên giới nhằm phục vụ cho việc kết nối giao thông, mua bán, trao đổi hàng hóa.
Lực lượng kiểm dịch động vật tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ, đường sông Vĩnh Xương làm nhiệm vụ
Cụ thể, ngoài tuyến đường liên kết vùng Tân Châu - Châu Đốc kết nối với tỉnh Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp đang được các nhà thầu khẩn trương xây dựng thì các công trình khác cũng được hoàn thiện, như: Cầu Tân An, Tỉnh lộ 957, Quốc lộ 91 cùng nhiều tỉnh lộ khác được nâng cấp, duy tu. Tính đến thời điểm này, các quốc lộ, tỉnh lộ ra các cặp cửa khẩu được thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân 2 nước Việt Nam - Campuchia, kể cả thương nhân các quốc gia trong khu vực ASEAN vận chuyển hàng hóa, khách DL nhanh hơn.
Thương nhân 2 nước sẽ dịch chuyển về Cửa khẩu Quốc tế đường bộ, đường sông Vĩnh Xương để làm thủ tục xuất cá nước ngọt sang Campuchia
“Thông qua báo chí, chúng tôi được biết ngày 23/2 vừa qua, chính quyền tỉnh An Giang và Kandal tổ chức buổi lễ công bố Cửa khẩu Quốc tế đường bộ, đường sông Vĩnh Xương. Chúng tôi rất vui mừng trước sự kiện này, bởi từ đây, những doanh nghiệp kinh doanh tour, tuyến DL sẽ thuận lợi hơn khi đưa khách từ TP. Hồ Chí Minh xuống ĐBSCL tham quan, nghỉ dưỡng và tiếp tục hành trình đến thủ đô Phnom Penh (Campuchia) sẽ rất thuận tiện - vì Vĩnh Xương đã có cửa khẩu quốc tế đường bộ. Trước đây, chỉ là cửa khẩu chính nên khách DL ở Châu Âu, Hoa Kỳ không đi qua cửa khẩu này được…” - ông Trương Vĩnh Hòa (Giám đốc Công ty Lữ hành Phương Nam, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Vực dậy tiềm năng, kết nối giao thương là 2 trong nhiều triển vọng khi chính quyền tỉnh An Giang - Kandal tổ chức lễ công bố cặp cửa khẩu này. Còn nhớ, 2 năm xảy ra dịch bệnh COVID-19, lúc cao điểm, biên giới 2 nước ở khu vực này đóng cửa để kiểm soát dịch bệnh, kinh tế, đời sống của nhân dân 2 bên biên giới khó khăn.
Nay, dịch bệnh đi qua, biên giới 2 nước mở cửa trở lại, chính quyền 2 tỉnh tổ chức sự kiện công bố Cửa khẩu Quốc tế đường bộ, đường sông Vĩnh Xương, sự kiện này khiến nhân dân 2 nước phấn khởi, bởi từ đây, ngoài xuất khẩu hàng hóa được thông thương, cặp cửa khẩu này sẽ đón rất nhiều khách DL quốc tế đến làm thủ tục, dân địa phương sẽ phát triển các dịch vụ phục vụ DL cùng nhiều ngành nghề khác phát triển theo.
“Việc mở mới Cửa khẩu Quốc tế đường bộ, đường sông Vĩnh Xương tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, mở ra triển vọng trong phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa giữa 2 nước giáp biên. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách xuất, nhập cảnh và hàng hóa xuất, nhập khẩu trong tương lai; kỳ vọng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu này tăng mạnh…” - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương Trần Tấn Lợi chia sẻ
|
MINH HIỂN